Giảm ùn tắc giao thông:

Ưu tiên xe buýt, điều chỉnh giờ làm

ANTĐ - Làm thế nào để xe buýt có thể đảm nhiệm được trọng trách vận chuyển hành khách nếu hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội? Giải quyết tình trạng ùn tắc, xuống cấp của dịch vụ xe buýt hiện nay ra sao? Những vấn đề này đã được Sở GTVT Hà Nội, Bộ GTVT mổ xẻ tìm giải pháp vào chiều 17-10.

Xe buýt sẽ được ưu tiên, điều chỉnh trong thời gian tới


Xe buýt mới chủ yếu phục vụ sinh viên

Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện cả thành phố có 1.254 xe buýt, hoạt động trên 82 tuyến, có năng lực vận chuyển hơn 1,1 triệu lượt hành khách/ngày (420 triệu lượt hành khách/năm). Tuy nhiên, xe buýt vẫn còn hạn chế nhất định và cũng mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong đó, chiếm tới 80%  hành khách là học sinh, sinh viên. Do vậy, để đạt mục tiêu vận chuyển 15% lượng hành khách vào năm 2015, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng dành cho xe buýt, mở thêm tuyến mới... được xem là yêu cầu bắt buộc để tiếp sức cho loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) này.

Khảo sát cho thấy, tỷ lệ chiếm dụng đường của xe buýt trên một số tuyến chính là từ 4-12%, nhưng vận chuyển tới 12-24% lượng người tham gia giao thông. Ông Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Công ty Vận tải Hà Nội dẫn chứng, nếu chỉ tính trên 6 trục quan trọng gồm: Nguyễn Văn Cừ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng, không có xe buýt thì sẽ xuất hiện thêm hơn 100.000 xe máy trong giờ cao điểm. Kết quả điều tra xã hội học cũng cho thấy, 26% đánh giá dịch vụ tốt, 65% đánh giá bình thường, 8% đánh giá kém, 1% đánh giá quá kém. Đó là những con số đáng mừng, nhưng đáng tiếc, xe buýt hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của học sinh, sinh viên.

Do đó, ông Thường cho rằng, mục tiêu tăng lượng hành khách sử dụng vận tải công cộng lên 15% vào năm 2015 thực sự không dễ, khi công suất cung ứng khai thác đã đến giới hạn. Trung bình, mỗi ngày một xe buýt của Transerco vận chuyển 1.152 hành khách, hệ số sử dụng ghế là 80% (giờ cao điểm là 140%, có chuyến lên tới 200%). Trong khi đó, hạ tầng giao thông Hà Nội còn nhiều bất cập, số điểm đỗ lòng đường và vỉa hè lên tới 553 điểm. “Hiện, biểu đồ xe buýt đang có nguy cơ bị vỡ do ùn tắc. Người đi bộ thì khó tiếp cận với xe buýt do hệ thống đường ngõ, ngách, trong khi xe buýt lại được bố trí ở trục chính”, ông Thường phản ánh. Do vậy, dù mới chỉ khai thác được khoảng 80% công suất, nhưng không thể tăng hơn được nữa.

Sẽ cấm phương tiện cá nhân

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, ông Hùng đề xuất điều chỉnh thời gian hoạt động trong một số lĩnh vực, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Việc bố trí lệch giờ làm việc cũng phần nào giảm bớt áp lực cho xe buýt vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, Transerco kiến nghị tách đường riêng cho xe buýt, tăng cường hỗ trợ bảo đảm an ninh cho hành khách…

Tại buổi làm việc giữa Hà Nội và Bộ GTVT chiều 17-10 về thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả VTHKCC trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi khẳng định, thành phố đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng giao thông bức xúc hiện nay, trong đó có phát triển VTHKCC. Trong điều kiện hiện tại, bên cạnh đầu tư phát triển, các cơ quan chức năng phải tính toán bố trí điểm dừng đỗ xe buýt hợp lý. Nếu cần thiết, phù hợp, thu nhỏ vỉa hè, tạo đường, điểm dừng cho xe buýt.

Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đã đến thời điểm cần có hành động, giải pháp mạnh để giải quyết ùn tắc giao thông tại các đô thị. Những giải pháp ít sử dụng kinh phí sẽ được ưu tiên thực hiện trước. “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng đồng tình với việc điều chỉnh giờ học của các trường đại học, cao đẳng… Sắp tới, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ về điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, trường học”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ, Hà Nội nghiên cứu việc cấm phương tiện cá nhân trên một số tuyến có nhiều trường đại học vào giờ cao điểm để ưu tiên cho xe buýt hoạt động.

Bộ trưởng GTVT ĐINH LA THĂNG gợi ý: Các cơ quan trung ương có thể làm việc từ 8h30 hoặc 9h sáng đến 6h chiều