Phố bãi Phúc Tân

(ANTĐ) - Có lẽ chữ “Bãi” bây giờ chẳng còn ai dùng để gọi tên cho một khu phố nữa. Nó chỉ còn trong ký ức của những người già tuổi từ 60 trở lên. Đó là những người già người làng Phúc Xá xưa kia. Vâng, lịch sử làng Phúc Xá trải qua mấy trăm năm có lắm rườm rà, đổi thay.

Phố bãi Phúc Tân

(ANTĐ) - Có lẽ chữ “Bãi” bây giờ chẳng còn ai dùng để gọi tên cho một khu phố nữa. Nó chỉ còn trong ký ức của những người già tuổi từ 60 trở lên. Đó là những người già người làng Phúc Xá xưa kia. Vâng, lịch sử làng Phúc Xá trải qua mấy trăm năm có lắm rườm rà, đổi thay.

Theo Từ điển Hà Nội, NXB Văn hóa - Thông tin, in năm 1993, tác giả Bùi Thiết ghi tóm tắt: “Một xóm dân cư mới hình thành trên đất bãi ngoài sông Hồng phía dưới gầm cầu Long Biên từ đầu thế kỷ XX. Đây là phạm vi của phường Phúc Xá cũ và của phường Cơ Xá từ nhiều thế kỷ trước; cũng gọi là Phúc Xá mới. Nay thuộc phường Phúc Tân quận Hoàn Kiếm”.

Vâng, đúng vậy. Nói đến phường Cơ Xá, ta thử đi ngược lại thời gian mà vùng đất còn được mang hai chữ “Cơ Xá”, cách đây hơn 800 năm, và những con cháu làng Cơ Xá bây giờ. Lịch sử đất nước hàng nghìn năm biết bao nhiêu biến đổi.

Nếu ta chỉ tìm trong quốc sử ghi chép những con người, những sự kiện một cách tóm tắt sơ lược, chúng ta hôm nay cũng chẳng thể khẳng định những điều xưa một cách chính xác.

Nhưng có điều rõ ràng là, con cháu người dân phường Cơ Xá hôm nay chính là những người dân của làng Bắc Biên, Trung Hà và một số gia đình ở rải rác đường Nguyễn Văn Cừ và thôn Gia Quất. Nhưng tập trung đông nhất, chiếm tới 90% ở hai thôn Bắc Biên và Trung Hà (còn gọi là xóm Hồ Sen).

Xin hãy khoan nói đến hai chữ Phúc Tân, đó là một tên gọi rất mới, chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám mới có. Theo những người già ở mấy làng Bắc Biên, Trung Hà cho biết, thì mọi người dân ở đây đều là dân một nơi: “Phường Cơ Xá”. Phường Cơ Xá có từ thời nhà Lý ở trong nội thành.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mậu Tí, năm thứ 8 (1108) (Tống Đại quan năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, đắp đê ở phường Cơ Xá”. Lại theo người Bắc Biên và Trung Hà (tức dân Cơ Xá) kể thì đến thời Gia Long, thành phố được mở rộng, người Cơ Xá được chính quyền phong kiến cấp cho một dải đất ven sông suốt từ làng Xù Gạ đến tận Thanh Trì, bằng cách: Nhà nước phong kiến cho làng một quả bưởi, khắc chữ Cơ Xá.

Quả bưởi được thả ở cuối làng Xù Gạ, bưởi trôi đến vực Thanh Trì thì giạt vào đó. Nên mọi người đều nhớ câu ca của địa ba làng mình: “Thượng Xù Gạ, hạ Thanh Trì”. Bởi thế đất làng Cơ Xá chia làm mấy nơi. Sau làng đổi tên thành Phúc Xá. Phường Phúc Xá như hiện nay, chính là tên làng Phúc Xá xưa kia.

Thời trước cách mạng làng Phúc Xá chia làm 4 nơi: phường Phúc Xá hiện nay thuộc quận Ba Đình, người Phúc Xá xưa gọi là “Phúc Xá Tây Biên”, một xóm nhỏ thuộc khu Đồng Nhân quận Hai Bà Trưng hiện nay, thời đó có tên là “Phúc Xá Nam”.

Một làng đông dân cư ở giữa sông Hồng, dưới gầm cầu Long Biên, mang tên “Phúc Xá Trung Hà”. Còn một thôn nữa ở bờ bắc sông Hồng, cũng là nơi người dân Cơ Xá (tức Phúc Xá) cư ngụ, người dân ở đây gọi là “Phúc Xá Bắc Biên”, như tên gọi hiện nay.

Lại nói về hai chữ “Phúc Tân”, đó là khu vực phía ngoài đê từ phía dưới cầu Long Biên đến phố Hàm Tử Quan, xưa kia cũng là đất của phường Cơ Xá (tức Phúc Xá), nhưng từ trước cách mạng vẫn bỏ không. Nơi đây người các nơi đến cư ngụ, gần như một xóm liều.

Bến sông là những thuyền, nhà bè của những gia đình thuyền chài thuộc hai làng Vạn Thái và Vạn Thủy. Sau này hai làng vạn chài này hợp nhất được gọi là “Vạn chài Thái-Thủy”. Hai vạn chài này có những ngôi nhà tranh trên bờ, có cả một nhà thờ được xây bằng gỗ, là nơi lễ bái cho những người công giáo thuộc vạn chài.

Tuy nhiên, vùng đất dẫu có một xóm của người vạn chài và những người tứ xứ về đây kiếm việc, làm phu khuân vác cho những lái bè, nhưng đại bộ phận nơi này vẫn là một bãi hoang. Mãi đến sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền của làng Bãi Giữa (tức Phúc Xá Trung Hà) mới huy động nhân dân sang khai phá vùng đất.

Và nó được mang tên là bãi Phúc Tân từ đấy. Và chính nơi này, đại tá Đinh Toàn ngày 17-2-1947 (bấy giờ là anh lính trinh sát của Trung đoàn Thủ đô), đã cùng với tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại, tiểu đội trưởng dân quân của làng Phúc Xá Trung Hà, đưa Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội an toàn.

Các anh đã mưu trí đưa bộ đội qua gầm cầu Long Biên bằng cách lội men theo bờ nước, để không còn lưu lại vết chân trên bờ sông.

Nhờ sự đổi đời của cách mạng mang lại, khu vực này đã trở thành một khu phố sầm uất, phồn thịnh với nhà cao tầng đủ các loại.

Bạn có thể bớt một chút thì giờ, ta đi bộ trên cầu Long Biên, ta có thể nhìn ngắm xuôi về phía cầu Chương Dương và để thỏa mãn được tầm nhìn ngắm mà suy ngẫm sự thay đổi của vùng đất, ta lại đi cầu Chương Dương nhìn ngược lên phía cầu Long Biên mới thấy hết được sự đổi mới to lớn của người dân Hà Nội, cũng như sự phát triển mở rộng của thành phố Hà Nội đang đẹp lên biết nhường nào.

Nếu bạn muốn biết thêm những chi tiết, xin mời bạn hãy ghé thăm những người dân chài vạn Thái Thủy. Mọi gia đình làm nghề chài lưới ở đây đều có nhà xây trên bờ, khu vực gần cầu Long Biên đấy...             

Thanh Hào