Hà Nội thực hiện thí điểm giao thông:

Phân làn là rất khó

ANTĐ - Sáng 20-9, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu thực hiện phân làn giao thông trên 2 tuyến phố Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài. Dù là ngày đầu, song, nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ về tuổi thọ của lần phân làn này.

Lần phân làn này có thành công?

Sáng 20-9, ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô trên 2 tuyến Phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu cho thấy, phần lớn người dân vẫn còn bỡ ngỡ, lạ lẫm với việc phân làn. Tại hầu hết các ngã ba, ngã tư, điểm giao cắt đều có biển báo hướng dẫn làn cho xe máy, ô tô và có lực lượng thanh tra GTVT hướng dẫn. Song, chỉ cần qua đi đoạn xếp dải phân cách cứng ở giữa (dài chừng 5m), các loại phương tiện lại bát nháo như cũ, xe máy, ô tô lại lấn chiếm làn đường của nhau. Khó khăn nữa, các tuyến phố này có nhiều điểm giao cắt, việc sang đường của các phương tiện rất khó khăn. Chỉ cần một vài phương tiện đi xe máy trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài muốn rẽ sang Nguyễn Du, Hàm Long… gặp muôn vàn khó khăn. Bởi, muốn rẽ sang trái, các phương tiện này phải di chuyển sang làn đường của xe ô tô, dễ gây ùn tắc, chồng chéo.

Anh Nguyễn Văn Chiến, nhà ở Kim Ngưu cho biết, hàng ngày anh đi làm từ Đại Cồ Việt lên Phố Huế - Hàng Bài rồi rẽ sang Lý Thường Kiệt. “Tôi ủng hộ phân làn giao thông để giảm ùn tắc, tránh tình trạng xe cộ đi lại bát nháo như hiện nay. Song, việc phân làn trên các tuyến phố hiện nay không có tính khả thi”, anh Chiến cho biết. Tại đầu mỗi điểm giao trên 2 tuyến phố đều có dải phân cách cứng, người tham gia giao thông sơ ý là đâm vào dải phân cách này. Anh Chiến cho hay, khi anh lưu thông từ Phố Huế - Hàng Bài đến ngã tư Lý Thường Kiệt muốn rẽ sang trái để đến cơ quan rất khó. “Theo quy định, xe máy đi làn trong, thông thường khi rẽ trái phải di chuyển từ từ để rẽ. Nhưng nay, nếu di chuyển như vậy thì lại vi phạm luật, đi sai làn đường. Hơn nữa, mỗi lần rẽ như vậy, ô tô tràn lên, gây xáo trộn, bất cập”, anh Chiến nói.

Trong khi đó, tiêu chí để lựa chọn tuyến đường phân làn theo Sở GTVT, tập trung vào các tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông, ý thức của người dân tương đối cao; tuyến đường phố xuyên tâm, vành đai hoặc các tuyến phố phân luồng 1 chiều; những tuyến đường phố có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng từ tối thiểu 10m trở lên. Hay, các tuyến phố có các khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300m; tuyến phố có đầy đủ và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm...).

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, điểm cắm biển báo và vạch sơn phân làn khá phù hợp, tuy nhiên để tránh ùn tắc, tại một số điểm giao cắt với đường phân làn thì cần tổ chức giao thông linh hoạt hơn. Với những đoạn đường giao cắt các phương tiện được phép rẽ trái thì phải phân làn trước từ 5-7m để các phương tiện có thời gian chuyển dòng, nhờ đó, khi xe máy nhập sang làn ôtô các xe đi cùng một chiều và tránh được xung đột. Ông Tân cũng cho biết thêm: Tùy thuộc vào từng tuyến đường sẽ có cách tách dòng phương tiện phù hợp. Đơn cử, tuyến đường Giải phóng sẽ ưu tiên ô tô vì ô tô nhiều hơn xe máy, nhưng tuyến Phố Huế-Hàng Bài, Bà Triệu lại ưu tiên xe máy hơn vì nó chiếm đa số.

Không lạc quan như vậy, ông Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, trường ĐH GTVT Hà Nội cho rằng, với điều kiện sử dụng diện tích đất giao thông như hiện nay việc phân làn là rất khó, chỉ có thể làm trên một số tuyến như Phạm Hùng. “Sử dụng đất quá manh mún, mặt phố đồng thời là cửa hàng, nhà ở. Trong khi, không có khu dừng đỗ xe cho ô tô ra vào, nếu cấm cả việc dừng đỗ xe trên các tuyến phố này thì càng khó thực hiện”, ông Hùng nhận định. Với những hạn chế, khó khăn trên, ông Hùng cho rằng, thí điểm phân làn trên các tuyến phố lần này thiếu tính khả thi.