Nhà vệ sinh công cộng: Một lần sợ đến già

(ANTĐ) - Chợ - Theo định nghĩa của chính người bán hàng thì đó là chốn nhộn nhạo, phức tạp nhất, được coi là nơi hội tụ người tứ xứ, đủ thành phần. Thói quen xấu của đủ kiểu người cũng dồn cả về đây. Trong đó, có cả thói quen... đi vệ sinh! Nếu ai đã từng dùng nhà vệ sinh ở đây một lần, thì chắc có lẽ, sợ đến già!

Nhà vệ sinh công cộng: Một lần sợ đến già

(ANTĐ) - Chợ - Theo định nghĩa của chính người bán hàng thì đó là chốn nhộn nhạo, phức tạp nhất, được coi là nơi hội tụ người tứ xứ, đủ thành phần. Thói quen xấu của đủ kiểu người cũng dồn cả về đây. Trong đó, có cả thói quen... đi vệ sinh! Nếu ai đã từng dùng nhà vệ sinh ở đây một lần, thì chắc có lẽ, sợ đến già!

* Hãi hùng nhà vệ sinh chợ

Nếu rửa tay, đưa lên mũi sẽ thấy mùi tanh! (Nhà vệ sinh chợ Cầu Mới)
Nếu rửa tay, đưa lên mũi sẽ thấy mùi tanh! (Nhà vệ sinh chợ Cầu Mới)

Nín thở từ lúc vào đến lúc ra

Nằm giữa trung tâm Thủ đô, chợ Hàng Da luôn tấp nập, đông đúc vì nổi tiếng với các món đồ second hand. Buổi trưa ở chợ này thường ít khi buồn tẻ, im ắng, vì giới công chức tranh thủ đi mua sắm, ngắm đồ. Tuy nhiên, nơi đông đúc, nườm nượp người ra vào nhất lại chính là... cái nhà vệ sinh! Khu chợ đông là thế, nhưng chỉ có 1 cái công trình phụ chật chội, nằm lọt thỏm dưới gầm cầu thang.

500đ đi tiểu tiện, 1.000đ đi đại tiện. Cô nhân viên trông nhà vệ sinh không kịp ngẩng mặt, luôn tay xếp giấy và nhận tiền. Khách, những người chủ bán hàng sau giờ ăn trưa, tay lăm lăm cầm sẵn tờ 500đ hoặc 1.000 đ, đi qua, vơ vội giấy, thả tiền và vào thẳng.

Khủng khiếp và sởn cả gai ốc! Đó là cảm giác mà một khách lạ như chúng tôi lần đầu tiên bước vào nhà vệ sinh chợ Hàng Da. Đầu cửa, bể nước bằng xi măng cũ kỹ, nước đen ngòm. Nền nhà tuy được ốp gạch, nhưng cáu bẩn, vàng khè. Có 3 phòng đại tiện thì 1 phòng bị khóa, 2 phòng còn lại, mở hé cửa đã nhìn thấy... “bãi phế thải” chình ình. Chúng tôi quay vội ra ngoài. Nói nhỏ với chị nhân viên trông nhà vệ sinh: “Sao... bẩn thế?”, chị này chỏng lỏn: “Chúng nó thế đấy! Nó ỷ trả tiền thì có người dội cho mà!” Quả thật, để ý kỹ, người vào ra nườm nượp nhưng người chịu dừng lại 1 phút để múc nước dội thì thật hiếm! Người ta bịt mũi, “xong việc” là... đi thẳng! Cứ như, “cái bẩn” là chỉ do người khác gây ra! Người đàn ông, chủ hàng bán giày gần đó nói: “Nhà vệ sinh có từ khi chợ được xây, mỗi năm một lần được sửa chữa. Nhưng, thấm vào đâu, ăn thua vào đâu với cái ý thức tệ hại của người dùng. Bẩn không phải vì quá tải, mà vì sự vô ý thức của rất nhiều người!”. Ra khỏi cửa nhà vệ sinh là quầy hàng bán rau quả, xanh và tươi lắm! Chúng tôi rùng mình, trộm nghĩ, những mớ rau không biết có bị lây cái mùi... khủng khiếp này không?

Hộp đựng xà phòng tại Nhà vệ sinh chợ Đồng Xuân
Hộp đựng xà phòng tại Nhà vệ sinh chợ Đồng Xuân

Đã là chợ thì sạch làm sao được!

“Đã là chợ thì... sạch thế nào được hả em?”, nhiều người tròn mắt ngạc nhiên khi chúng tôi tỏ ra băn khoăn, tại sao... nhà vệ sinh bẩn thế! Thắc mắc của chúng tôi bỗng thành ra ngớ ngẩn. Vì, chợ nào chả thế! Cảnh tượng hãi hùng ấy, người ta quen cả rồi và có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trong các khu chợ.

Chợ Đồng Xuân, mặc dù mới được sửa sang lại, làm lại nhà vệ sinh nhưng cũng... bẩn chẳng kém. Mới tới cửa, đã xộc thẳng vào mũi, vào óc thứ mùi khai, gắt nồng nặc. Như một phản xạ tự nhiên, tất cả người vào đều đưa tay... bịt mũi, nhăn mặt. Chiếc bồn rửa đã bị hỏng. Không xà phòng. Mấy xô nước cáu bẩn, đen ngòm. Di thử ngón tay vào thành xô, đã thấy đọng chất nước bẩn đặc. Nền nhà luôn ẩm ướt. Liếc vào phòng đại tiện, thứ phế thải nguyên si. Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên quầy bán giày Long Tuyền nói: “Hôm nay là sạch đấy. Còn như hôm khác, nó còn dềnh lên cơ. Em toàn phải nhịn, dành về nhà.” Đi vào nhà vệ sinh ở chợ mà đi dép lê thì... thôi rồi. Chỉ tổ tạo cơ hội cho thứ nước bẩn, nhớp nháp dính vào. Người vào ra, dĩ nhiên tấp nập. Nhưng để ý kỹ, không phải ai “xong việc” cũng chịu khó múc nước dội. Có người còn hồn nhiên, rửa tay trực tiếp từ vòi nước, nhưng hứng luôn vào chiếc xô đựng nước dội. Chị nhân viên trông nhà vệ sinh kể, chị làm ở đây đã 10 năm, quen ngửi cái mùi này rồi, vất vả cũng quen rồi. Chốc chốc phải chạy vào mà dội! ở chợ mà, người tứ xứ, lấy đâu ra sạch!

Chợ Cầu Mới, nhà vệ sinh còn tồi tệ hơn. Vị khách vừa dùng nhà vệ sinh xong, một nhân viên giúp việc tại cửa hàng quần áo chợ này nhắc giúp chúng tôi: “Chị muốn rửa mặt hả, không được đâu. ở đây, nước máy không có, phải dùng nước giếng, chỉ rửa tay được thôi, nhưng mùi tanh lắm. Rửa xong, đưa tay lên mũi ngửi thì biết.” Chị Hiền, chủ hàng bán đồ dùng gia dụng bức xúc: “Chúng tôi đóng đầy đủ phí vệ sinh hàng tháng cho chợ, mà lúc đi vệ sinh, cũng vẫn phải bỏ tiền. Đấy, nộp thuế đầy đủ, nhưng người ta không đầu tư gì cho cái nhà vệ sinh cả. Chợ xây được 20 năm, do phải mở đường phía bên sông, nên cái nhà vệ sinh cũ bị phá, giờ chuyển sang khu bên phải. Nhà vệ sinh mới xây được đâu 4-5 năm, nhưng lại là kiểu cũ, bẩn lắm. Từ bồn rửa tay bị hỏng cho đến cái bể nước xây bằng gạch và xi măng, cho đến cái gầu múc nước, đến cái nền nhà, viên gạch..., tất cả đều vàng khè, cáu bẩn, như thể lớp cặn bẩn bám chắc từ nhiều năm rồi, không thuốc nào tẩy nổi”. Chị Hiền than thở, ngồi bán hàng ở chợ cả ngày, ít nhất 1 lần trong ngày cũng phải đi. Muốn nhịn cũng không được. Mà đi thì... nín thở từ lúc vào cho đến lúc đi ra!

Chợt nhớ, cơn dịch tiêu chảy cấp đang hoành hành, xét cho cùng cũng vì sự thiếu vệ sinh mà ra. Trong khi chúng ta đang ra sức tuyên tuyền các biện pháp phòng chống, chỉ dẫn rõ người bệnh đi vệ sinh, phải rắc vôi, rắc thuốc khử trùng ở nhà vệ sinh. Thử hỏi, ở những khu chợ như thế này, hàng trăm người vào dùng 1 nhà vệ sinh, người khỏe có, người ốm hẳn cũng có thì sẽ ra sao?

Băng Dương