Giáo dục yếu kém nhất khâu nào?

ANTĐ - Đây là đề xuất của các nhà trí thức trước yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục từ nay đến năm 2020. Trong đó, hai vấn đề được đề cập nhiều nhất là thay đổi cách xây dựng chương trình, sách giáo khoa và việc đầu tư con người.

Giáo viên cần được đưa về đúng với sứ mệnh của nghề dạy học. (Ảnh minh họa)

Bước đi chậm chạp

GS. Nguyễn Lân Dũng tâm sự trước mốc dự kiến thí điểm viết chương trình và sách giáo khoa mới của Bộ GD-ĐT: “Năm 2015 mới bàn lại chương trình giáo dục phổ thông, sau đó là thí điểm chương trình, rồi thí điểm viết lại bộ sách giáo khoa, sau đó lại thí điểm sử dụng. Có thể khi đó tôi không còn sống nữa rồi”. Điều này có thể hiểu rằng những nhà giáo, nhà trí thức tâm huyết với nền giáo dục nước nhà đang rất sốt ruột trước những bước đi có phần chậm chạp trong khi đòi hỏi đổi mới giáo dục đã rất cấp bách. GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông đã sưu tầm hơn 70 cuốn sách Sinh học bậc phổ thông của các nước để so sánh với sách giáo khoa của Việt Nam. Kết luận của vị giáo sư này là “chương trình của Việt Nam không giống nước nào, vừa nặng lại vừa thấp”.

Cạnh tranh lành mạnh trong việc xây dựng bộ sách giáo khoa chương trình phổ thông là ý kiến của không chỉ một mình GS. Lân Dũng vì theo các nhà trí thức, nên dựa vào các Hội Khoa học chuyên ngành để lựa chọn những chuyên gia giỏi, kết hợp với thầy cô giáo có kinh nghiệm biên soạn một chương trình mới. Bộ GD-ĐT nên lấy chương trình phổ thông của những nước tiên tiến để tham khảo kinh nghiệm... Chương trình sau khi biên soạn xong thì đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi thông qua hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Điều này cũng giải quyết được vấn đề tài chính khi nhà nước không phải tốn kinh phí với dự kiến tới 70.000 tỷ đồng cho đổi mới chương trình và sách giáo khoa như Bộ GD-ĐT đưa ra. “Tôi mong việc này có thể làm ngay mà không cần phải chờ đến năm 2015”, GS. Lân Dũng đề xuất.

Đóng góp vào cách viết sách giáo khoa, nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, người có mặt trong đội ngũ làm sách giáo khoa đầu tiên của Bộ GD-ĐT cho biết, thay vì làm theo kiểu cuốn chiếu hoặc chia giai đoạn thì sách giáo khoa phải cùng lúc biên soạn chương trình mới ở tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12. Trong quá trình làm việc phải luôn trao đổi với nhau giữa các môn, các cấp kể cả giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Không được bỏ quên giáo viên 

Trong khi vấn đề biên soạn chương trình và sách giáo khoa còn nhiều bàn cãi thì nhiều nhà trí thức lại đặt vấn đề đổi mới giáo dục ở khía cạnh khác khi cho rằng  việc đổi mới không nên đi từ việc viết sách giáo khoa mà nên đi từ yếu tố con người. “Mặc dù vai trò của người thầy trong giáo dục là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục, nhưng cho đến nay vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến cho tất cả những mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không được thực hiện đến nơi đến chốn”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thẳng thắn phản ánh.

PGS. Khổng Doãn Điền, Hội Cơ học Hà Nội khẳng định: “Phải đi từ yếu tố con người, đó là xây dựng lại tiêu chuẩn đạo đức của lớp thầy cô giáo sao cho bằng được ngày xưa. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ nhà giáo có tâm huyết, có lương tâm trong sạch mới nên nghĩ đến việc làm các bước tiếp theo”. “Việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo phải đi đôi với chế độ lương bổng để các thầy cô giáo được sống đúng với bản chất và sứ mệnh của nghề dạy học”, PGS- TS. Mạc Văn Trang, Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH và giáo dục chuyên nghiệp đề xuất.

Để thực hiện được yêu cầu này, GS. Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội kiến nghị tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Bởi theo GS. Nguyễn Xuân Hãn “lương giáo viên hiện nay quá thấp là một nguyên do khiến giáo viên không yên tâm với nghề và người giỏi không chọn ngành sư phạm”. 

Với rất nhiều ý kiến đóng góp để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục trong nước, GS. Chu Hảo nhấn mạnh cần có một cuộc tổng điều tra để có thể biết rõ nền giáo dục hiện nay yếu kém nhất ở những khâu nào, và rằng nếu không có một cuộc tổng điều tra đó thì mọi kiến nghị cải cách chỉ mang tính gợi ý chứ không thể tạo ra các chương trình hành động khả thi.