Gia đình trẻ mua nhà ở Hà Nội: Khó hơn lên trời! (Kỳ II)

(ANTĐ) - Vấn đề nhà ở cho các gia đình trẻ ở Hà Nội đang rất bức xúc song thực tế thành phố mới chỉ thể hiện sự quan tâm tới các “chủ nhân tương lai” trên... giấy.

Gia đình trẻ mua nhà ở Hà Nội: Khó hơn lên trời! (Kỳ II)

Quan tâm...trên giấy!

(ANTĐ) - Vấn đề nhà ở cho các gia đình trẻ ở Hà Nội đang rất bức xúc song thực tế thành phố mới chỉ thể hiện sự quan tâm tới các “chủ nhân tương lai” trên... giấy.

Chưa rõ tới bao giờ những gia đình nhỏ mới có được tổ ấm của riêng mình?!

>>> Kỳ I: Tiết kiệm 20 năm chưa đủ mua nhà

Lối thoát: mua nhà trả góp

Tiến sỹ Lê Duy Hiếu (Viện Kinh tế Việt Nam) đưa ra nhận định, đối tượng có thu nhập thấp như gia đình trẻ không thể tiếp cận quỹ nhà do thị trường đã bị lũng đoạn bởi các Tổng công ty kinh doanh bất động sản lớn và các nhà đầu cơ.

Mức giá cao chót vót mà những người lũng đoạn này đưa ra đã loại bỏ toàn bộ các đối tượng thu nhập thấp, thậm chí một số thuộc tầng lớp trung lưu. Trong 2 năm gần đây, giá nhà tại một số khu vực cũng đã giảm từ 10-15%.

Nhà xây mới nhiều nhưng gia đình trẻ vẫn phải thuê nhà ở
Nhà xây mới nhiều nhưng gia đình trẻ vẫn phải thuê nhà ở

Tuy nhiên, đáng buồn là những khu giảm giá thường là những khu thuộc vùng sâu, vùng xa hoặc có hạ tầng rất kém, không thuận tiện đi lại, còn những khu đô thị tương đối đồng bộ, hiện đại như Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính, Việt Hưng, Đền Lừ... lại có biểu hiện tăng.

Vậy bằng cách nào để vợ chồng trẻ có thể mua được nhà trong khi các nhà đầu tư không chịu giảm giá căn hộ cho dù thị trường ế ẩm kéo dài? Theo ông Nguyễn Huy Đức (Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng) nên áp dụng cơ chế mua trả trước 20-30% giá trị căn hộ.

Số còn lại sẽ trả góp trong thời hạn 10-15 năm với tỷ lệ lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Đương nhiên, căn hộ sẽ được thế chấp để có thể ký hợp đồng vay tiền ngân hàng.

Tuy vậy, đây vẫn chưa phải giải pháp cho đa số bởi rất nhiều hộ gia đình trẻ dù rất khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng tài chính để chi trả một lúc số tiền 20-30% giá trị căn hộ hoặc chi trả tiền góp hàng tháng.

Có đợi nổi nhà xã hội?

Cần xây thêm 35 triệu m2 nhà ở mỗi năm

(ANTĐ) - “Nếu chỉ tính riêng nhu cầu nhà ở đô thị, trung bình mỗi năm Việt Nam cần phải phát triển thêm 35 triệu m2 nhà để phấn đấu đạt 20 m2 nhà ở/người tại đô thị vào năm 2020” - đó là nhận định của ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quân, hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ những yếu kém, tài nguyên đất đai chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả, lãng phí; chưa có giải pháp hữu hiệu trong quản lý và điều tiết thị trường bất động sản.

Tình trạng đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá bất động sản diễn ra khá phổ biến; tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định, mua bán “trao tay” và xây dựng tự phát, suất đầu tư còn cao... Tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam cũng chưa cao trong khi công tác quy hoạch xây dựng đô thị chưa theo kịp tiến trình phát triển của đất nước. Hiện nay, hầu hết các dự án bất động sản lớn vẫn phải theo cơ chế “xin - cho”.

P.V

Theo các chuyên gia, giải pháp cuối cùng cho các hộ gia đình trẻ là thuê nhà giá rẻ từ quỹ nhà ở xã hội của thành phố. Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội cho biết, nếu có được sự phê chuẩn của Chính phủ, vào đầu năm 2008, những căn hộ đầu tiên thuộc quỹ nhà ở xã hội của thành phố sẽ được đầu tư xây dựng.

Dự kiến, sẽ có 3 loại căn hộ được xây dựng với cơ cấu: 30-35m2; 45-55m2 và 55-60 m2. Để giảm chi phí đầu tư, giảm giá thuê nhà, các tòa nhà chỉ cao 6 tầng, không có thang máy... Trang thiết bị nội thất và vật liệu hoàn thiện phần lớn sản xuất trong nước nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Trong số các đối tượng được thuê hoặc thuê mua nhà, sẽ ưu tiên các hộ gia đình trẻ vừa tốt nghiệp đại học, người làm việc thường xuyên trong môi trường độc hại, nhiều khó khăn, những trường hợp đã có thời gian công tác tại vùng sâu, vùng xa...

Các đối tượng này chỉ phải làm đơn thuê nhà được cơ quan quản lý lao động xác nhận là có thể tiếp cận quỹ nhà này. Cũng theo Sở TN-MT&NĐ, vì đa số gia đình trẻ có thu nhập hạn hẹp nên giá thuê nhà dự kiến dưới 500.000/tháng đối với loại căn hộ diện tích nhỏ nhất.

Tưởng như đã có một lối thoát cho các gia đình trẻ song Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội lại dự báo, trong giai đoạn 2006-2010, nhu cầu nhà ở cho thuê, thuê mua của các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức (trong đó có các gia đình trẻ) là 18.000 căn hộ.

Trong khi đó, dự án thí điểm xây dựng nhà ở xã hội của Hà Nội chỉ có vẻn vẹn... 900 căn hộ, tương đương 5% tổng nhu cầu. Do vậy, ngay cả khi dự án này được thực hiện, lượng nhà ở được cung ứng cũng hết sức nhỏ bé so với nhu cầu.

Nhiều người tiên lượng, với kiểu cung cấp “muối bỏ bể” như vậy, không hề ngạc nhiên nếu xuất hiện những tiêu cực, thậm chí gian dối trong quá trình xét duyệt đối tượng được thuê nhà. Như thế, khả năng lỗi hẹn của những cặp vợ chồng trẻ, vốn thuộc loại ít tiền lại “thấp cổ, bé họng” trong xã hội, như một sự thật hiển nhiên, càng trở nên rõ rệt!     

Ngọc Khánh

Cố gắng chờ... thí điểm

(Ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở TN-MT&NĐ Hà Nội trả lời phỏng vấn ANTĐ)

- PV: Thưa ông, thành phố đã có cơ chế, chính sách gì để giảm bức xúc về nhà ở cho đối tượng là gia đình trẻ?

- Ông Vũ Văn Hậu: Chính sách nhà ở cho vợ chồng trẻ đã được thành phố nêu trong đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng này sẽ được ưu tiên thuê hoặc thuê mua nhà ở với giá ưu đãi đặc biệt. Hiện nay, thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này trước khi triển khai thực tế. Ngoài ra, từ trước tới nay, thành phố chưa có một chính sách nhà ở nào khác dành riêng cho đối tượng là gia đình trẻ.

- PV: Hà Nội trình đề án nhà ở xã hội đã lâu nhưng chưa thấy được phê duyệt, liệu có vướng mắc gì không, thưa ông?

- Ông Vũ Văn Hậu: Vấn đề ở chỗ là thành phố cần Chính phủ hỗ trợ 109 tỷ đồng để triển khai dự án thí điểm tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Chúng tôi cũng đã báo cáo Thường trực UBND TP và lãnh đạo UBND TP có chỉ đạo là Hà Nội nên chủ động làm, không nên chậm trễ dự án này.

Thực ra, số vốn 109 tỷ đồng thành phố có thể “cố” được nhưng nếu có được sự hỗ trợ tài chính thường niên từ phía Chính phủ và các nguồn khác thì các dự án tương lai sẽ trôi chảy hơn, số lượng nhà xây dựng được sẽ nhiều hơn...

- PV: Vậy chính xác bao giờ thành phố mới có thể triển khai đề án này?

- Ông Vũ Văn Hậu:  Chủ trương của thành phố là cứ triển khai theo Luật Nhà ở, không chờ đợi đề án vì vấn đề này trong Luật đã tương đối rõ. Tôi cho là cũng sẽ rất nhanh thôi. Như vấn đề nhà ở cho công nhân chẳng hạn, khởi động từ cuối năm 2006 thì tới đầu quý III-2007, thành phố đã xây dựng xong những căn hộ đầu tiên.

Chính Trung (Thực hiện)