Đi cà kheo trên biển Nghĩa Hưng

ANTĐ - Đứng trên những "đôi chân" dài hơn 3m, giữa thảm xanh bao la của biển cả, nhẹ nhàng bước đi trên những con sóng bạc đầu, vươn "cánh tay lưới" rộng dài để lấy về sản vật tươi ngon từ biển cả. Đó là công việc hàng ngày vô cùng độc đáo của ngư dân cào nghêu trên biển Nghĩa Hưng, Nam Định.

Dọc theo Quốc lộ 25, cách thành phố Nam Định chỉ chừng hơn 50km, nằm ngay khu vực cửa Lạch Giang, hạ nguồn sông Ninh Cơ, Nghĩa Hưng nổi tiếng với những khu rừng ngập mặn và nhiều bãi biển đẹp mới được phát hiện. Những bãi biển ở Nghĩa Hưng không dài nhưng lại đan xen với các khu rừng phi lao chắn sóng rồi chia nhỏ thành từng bãi riêng. Xen kẽ với những bãi biển là rất nhiều cánh đồng muối của diêm dân ven biển. 

Với 1 giờ di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô từ thành phố Nam Định, du khách có thể đến với Nghĩa Hưng để thỏa sức thưởng thức những bữa hải sản tươi ngon, chất lượng và rẻ đến bất ngờ. Hơn nữa, du khách còn có thể vừa dùng bữa tại những nhà hàng ven biển vừa thỏa sức ngắm nhìn những ngư dân “biểu diễn” kỹ thuật đi cà kheo cào nghêu trên biển như những nghệ sĩ xiếc thực thụ trên sân khấu rộng mênh mông bồng bềnh sóng.

Nghề cào nghêu độc đáo trên những đôi chân cà kheo của những ngư dân ven biển Nghĩa Hưng đã có từ rất lâu đời. Họ sử dụng những “đôi chân” cà kheo có khi dài tới 3 mét để lội ra biển và đánh bắt hải sản, bất chấp sự xô đẩy của những con sóng bạc đầu. Đàn ông ở vùng ven biển Nghĩa Hưng biết cách đi cà kheo từ khi còn rất nhỏ. Chính vì vậy, với đôi cà kheo vốn là công cụ lao động ấy, họ có thể vừa làm công việc đánh bắt hải sản cho cuộc mưu sinh hàng ngày, lại vừa biến chúng thành “đạo cụ” cho những màn biễu diễn kỹ thuật trên sân khấu trong những lễ hội truyền thống của địa phương.

Cũng chính từ khả năng đi cà kheo như diễn xiếc trên biển này mà ở Nghĩa Hưng có những đội nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật đi cà kheo nổi tiếng. Mỗi đội có nét độc đáo riêng nhưng đều mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng. Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.