Chung sống trước hôn nhân: Lợi ít, hại nhiều

(ANTĐ) - Sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp đại học, không khí trong phòng trọ của Huỳnh (quê Điện Biên) và Na (quê Hưng Yên) trở nên căng thẳng. Chẳng là hai người đã yêu nhau được hơn 2 năm và quyết định sống chung gần 1 năm nay. Gần học xong 4 năm đại học, Huỳnh được bố mẹ nhắm cho một chỗ làm ở Điện Biên và mong muốn con trai về làm gần nhà (vì Huỳnh là con một).

Chung sống trước hôn nhân: Lợi ít, hại nhiều

(ANTĐ) - Sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp đại học, không khí trong phòng trọ của Huỳnh (quê Điện Biên) và Na (quê Hưng Yên) trở nên căng thẳng. Chẳng là hai người đã yêu nhau được hơn 2 năm và quyết định sống chung gần 1 năm nay. Gần học xong 4 năm đại học, Huỳnh được bố mẹ nhắm cho một chỗ làm ở Điện Biên và mong muốn con trai về làm gần nhà (vì Huỳnh là con một).

Trong khi Na khóc hết nước mắt vì “không biết nhìn mặt bạn bè thế nào”, thì Huỳnh cũng đau đầu, không biết phải làm sao giữa một bên là tình yêu, một bên là gia đình, nhất là khi hai người đã quyết định gắn bó cuộc đời bằng việc chung sống với nhau.

Trường hợp như Huỳnh và Na không phải ít, thậm chí còn dẫn đến những hậu quả đau lòng hơn. “Sống thử” đã là câu chuyện không mới, thậm chí nhiều người còn cho đó là một “trào lưu”, gắn liền với quan hệ tình dục (QHTD) trước hôn nhân. Những hậu quả của nó thì luôn làm đau đầu các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà quản lý và cả các bạn trẻ... 

Xã hội phải gánh lấy trách nhiệm

Trong một xã hội như Việt Nam thì khó để có thể tán dương sự “tích cực” của “sống thử”.

Rất nhiều người vẫn cho rằng, đàn ông có thể QHTD hoặc “sống thử” trước hôn nhân nhưng lại đòi hỏi phụ nữ không được như vậy.

Điều đó thật vô nghĩa và chỉ phản ánh sự bất bình đẳng thâm căn cố đế giữa hai giới mà thôi. Theo tôi, lớp trẻ thời nào cũng nông nổi. Không thể phê phán một người chỉ vì người ta trẻ. Gia đình, nhà trường và xã hội phải thực sự gánh lấy trách nhiệm giáo dục cho lớp trẻ để tránh cho họ những vấp váp đáng tiếc. Nếu chúng ta không làm được việc đó thì chớ nên trách lớp trẻ mà hãy tự trách mình.

TS Khuất Thu Hồng (Đồng Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội)

Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Y tế, có tới 66,7% nam giới Việt Nam chấp nhận QHTD trước hôn nhân. Tỷ lệ nạo phá thai của thanh thiếu niên Việt Nam cũng được xếp vào hàng những nước cao nhất thế giới.

TS Khuất Thu Hồng, đồng Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, việc QHTD trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân của Việt Nam có xu hướng ngày càng “thoáng” hơn nhưng không có nghĩa là bất chấp đạo đức.

Nếu như trước đây, những vấn đề này đều bị lên án thì ngày nay, xã hội cởi mở hơn ở chỗ phán xét có chọn lọc hơn, tùy hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ vẫn quyết định chung sống khi chưa chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm và việc làm này là đáng phê phán.

Trong khi đó, việc tuyên truyền của chúng ta dường như chưa đạt được hiệu quả cao. Thạc sĩ. BS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số chia sẻ: Trong việc tuyên truyền, chúng ta hay nói nhiều đến các tiêu cực của QHTD trước hôn nhân và “sống thử” như: mang thai ngoài ý muốn, có con khi chưa sẵn sàng, phải nghỉ học, sự nhàm chán, bạo lực...

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi là nếu chỉ có các tiêu cực và hậu quả thì tại sao các bạn trẻ không thể nói “không”? Vậy phải chăng, nó mang lại những lợi ích nhất định cho mối quan hệ của các bạn?

Trong bài viết “Là một người đặc biệt với ai đó” nói về việc QHTD trước hôn nhân, nhà nghiên cứu người Đan Mạch Tine Gammeltoft đã nhận thấy, thanh niên tìm được trong mối quan hệ trước hôn nhân của họ, thậm chí là việc mang thai trước hôn nhân sự gần gũi, gắn bó, sự đảm bảo về tương lai (kết hôn và có khả năng sinh con) và sự ổn định.

Điều này rất quan trọng với nhiều bạn thanh niên đặc biệt là khi họ cảm thấy có ít các điểm tựa xã hội khác như gia đình và nhà trường, cảm giác bấp bênh về sự nghiệp, bấp bênh về tài chính và thậm chí là bấp bênh trong tình cảm.

Đây cũng là điểm khác biệt trong QHTD trước hôn nhân của thanh niên Việt Nam so với những nước phát triển trên thế giới. Xã hội Việt Nam thường quan niệm QHTD phải gắn liền với tình yêu và hôn nhân nên ảnh hưởng rất lớn đến việc các bạn trẻ đối mặt với những tình huống nhạy cảm, như: cảm thấy mình có toàn quyền sở hữu và kiểm soát người yêu vì hai người đã QHTD với nhau hay chung sống với nhau; cảm thấy bị lừa dối và không còn tin vào cuộc sống khi người yêu bỏ đi; cảm thấy sẽ không thể yêu hay lấy người khác vì mình đã chung sống với người này rồi...

Hãy nghe lời chia sẻ của những người có liên quan về vấn đề này.                

Đoan Hùng

Sẽ có những ảnh hưởng lớn về tâm lý

Là một người tiếp xúc nhiều với sinh viên, nhiều khi tôi cảm thấy rất buồn khi một số em quyết định đánh một dấu mốc của cuộc đời mình bằng việc chung sống với nhau trước hôn nhân mà chưa có suy nghĩ chín chắn.

Có thể có nhiều quan niệm “thoáng” hơn trong chuyện này, nhưng thực tế thì những hậu quả đáng tiếc vẫn nhiều hơn những kết thúc tốt đẹp. Có thể những hậu quả là rất lớn, nhưng có những điều mà người ta ít thừa nhận như sự bào mòn, sự chai lì cảm xúc... khi trải qua các cuộc tình. Tôi vẫn thường nói tế nhị với sinh viên, rằng, khi sắp hết một năm, ai cũng háo hức chuẩn bị cho mình những bộ quần áo mới để mặc khi năm mới đến.

Ai không chờ đợi được, mặc bộ quần áo đó trước vài tháng thì khi bước sang năm mới sẽ không còn cảm thấy háo hức nữa. Nói thế không có nghĩa là “lên án” sống thử (vì đó là quyết định của mỗi người), mà các bạn trẻ hãy nghĩ đến “trách nhiệm” trong mỗi việc làm của mình.

Tiến sĩ tâm lý Hà Thị Bình Hòa

 (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Đừng tạo nên định kiến

Tôi không muốn sử dụng từ “sống thử” vì bản thân từ này đã tạo cảm giác tiêu cực về mối quan hệ trước hôn nhân của thanh niên.

Tôi nghĩ từ “chung sống trước hôn nhân” sẽ phù hợp hơn vì nó chỉ nói đến hiện tượng mà không mang tính định kiến. Việc tạo nên định kiến sẽ làm các bạn dễ bị rủi ro và nguy cơ hơn. Hơn nữa, giáo dục và tuyên truyền về tình dục trước hôn nhân ở Việt Nam thường chỉ mang tính một chiều mà không tìm hiểu tâm tư của giới trẻ, ít cho họ lên tiếng nên việc giáo dục, tuyên truyền khó thuyết phục được họ.

Việc tuyên truyền giáo dục hiện nay thường chỉ tập trung vào yếu tố đạo đức hay sức khỏe. Trong khi đó những câu hỏi lớn hơn cần đặt ra trong QHTD trước hôn nhân lại là “đây có thực sự là mối quan hệ đồng thuận, tự nguyện, bình đẳng không, những người tham gia mối quan hệ này có đủ các kiến thức và kĩ năng chưa?”. Điều đó mới mang lại những hiệu quả thiết thực trong điều kiện hiện nay.

Thạc sĩ.BS Hoàng Tú Anh

(Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số - CCIHP)

Phải có trách nhiệm trước hành động của mình

Chúng tôi đã quyết định chung sống với nhau từ khi ra trường và phải 3 năm sau đấy mới cưới nhau. Tất nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể vượt qua định kiến, đôi lúc vẫn ái ngại với những người xung quanh.

May mắn là chúng tôi đã đi đến hôn nhân, việc mà không phải tất cả những đôi cùng cảnh ngộ đạt được, nếu tôi không tiến tới được hôn nhân hẳn cũng sẽ rất đau khổ. Cuộc sống chung sẽ rất thực tế, rất cần sự thông cảm, trách nhiệm của cả hai người. Bởi vậy, các bạn cũng cần suy nghĩ chín chắn và có trách nhiệm khi quyết định chung sống trước hôn nhân, vì tình cảm không phải bất biến.

Tôi nghĩ mọi người cũng nên có cái nhìn toàn diện hơn với giới trẻ chúng tôi, vì không phải tất cả chúng tôi đều chung sống với mục đích và động cơ không tốt. Hãy nhìn vào cách sống của từng người chứ đừng đánh đồng thành một “trào lưu”.

Nguyễn Thị Nguyệt Nga

 (Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội)