Không thể chỉ nhìn vào con số

ANTĐ - Trong lộ trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, mục tiêu đề ra là đến năm 2015 có trên 60% người dân hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính và đến năm 2020 đạt tỷ lệ 80%. Tuy vậy, theo kết quả khảo sát thí điểm về chỉ số hài lòng tại 3 tỉnh vừa được Bộ Nội vụ công bố, tỷ lệ người dân, hài lòng với dịch vụ công lên đến con số bất ngờ: trên 80%. Có nghĩa là chúng ta đã hoàn thành trước kế hoạch tới 6 năm?

Theo kết quả khảo sát được tiến hành thí điểm tại Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định, trong lĩnh vực đất đai, có tới 83% người dân đánh giá là hài lòng và rất hài lòng. Mức độ không hài lòng và rất không hài lòng chỉ là 16,9%. Song, cũng có tới 51,3% người dân cho rằng các thủ tục còn phiền hà, không phù hợp với thực tế. Trong lĩnh vực xây dựng, kết quả cũng rất khả quan với 80,8% người dân khá hài lòng, tỷ lệ không hài lòng và không có ý kiến là 4%. Trong lĩnh vực dịch vụ y tế, tỷ lệ hài lòng cũng lên tới 72%, chỉ có 23% không hài lòng.

Đặc biệt, trong một số dịch vụ hành chính công thường gây khó khăn, phiền hà cho người dân như cấp “sổ đỏ”, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của hộ gia đình…, tỷ lệ người bày tỏ sự hài lòng cũng rất cao, lên tới 79-89%. Trước những con số “đẹp” này, ngay cả một số cán bộ trong ngành cũng tỏ ra khá bất ngờ và băn khoăn về việc lấy mẫu khảo sát. Chẳng hạn, nếu khảo sát ở các tỉnh, huyện miền núi, trung du thì hầu như người dân và doanh nghiệp rất ít “va chạm” tới thủ tục hành chính về đất đai, cấp các loại giấy phép. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao không tiến hành khảo sát thí điểm tại các thành phố lớn, nơi diễn ra các dịch vụ hành chính công “nóng” nhất khiến người dân, doanh nghiệp luôn kêu ca nhiều về thái độ phục vụ, cùng những nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan?

Nếu chỉ nhìn vào những kết quả khảo sát khả quan trên, có thể thấy, công cuộc cải cách hành chính có lẽ không còn phải nỗ lực nhiều. Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính thừa nhận, dung lượng và số lượng điều tra chưa mang tính khái quát vì mỗi tỉnh chỉ có 1.500 phiếu điều tra. Các chuyên gia nhận xét, kết quả khảo sát phụ thuộc nhiều yếu tố, số lượng mẫu càng lớn thì tính chính xác càng cao. Kết quả có thể rất sai lệch nếu lấy mẫu không chính xác. Vì vậy, “thước đo” sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp không chỉ dựa vào những con số đầy ấn tượng mà phải nhìn vào thực tế đang diễn ra.