Ký ức “Tiền tuyến gọi”

(ANTĐ) - Năm 1967, trên khắp miền Bắc, khán giả nô nức đi xem vở kịch “Tiền tuyến gọi” do Đoàn kịch Hà Nội dàn dựng. Có điểm diễn tới 40 đêm mà vẫn đông kín người xem. Vở diễn hấp dẫn đến nỗi, năm 1968, Đoàn kịch Hà Tây dựng lại để phục vụ đồng bào và chiến sĩ, rồi NXB Văn học in thành sách và Hãng phim truyện Việt Nam dựng thành phim.

Ký ức “Tiền tuyến gọi”

(ANTĐ) - Năm 1967, trên khắp miền Bắc, khán giả nô nức đi xem vở kịch “Tiền tuyến gọi” do Đoàn kịch Hà Nội dàn dựng. Có điểm diễn tới 40 đêm mà vẫn đông kín người xem. Vở diễn hấp dẫn đến nỗi, năm 1968, Đoàn kịch Hà Tây dựng lại để phục vụ đồng bào và chiến sĩ, rồi NXB Văn học in thành sách và Hãng phim truyện Việt Nam dựng thành phim.

Thanh niên Hà Nội từ biệt người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi tiền tuyến
Thanh niên Hà Nội từ biệt người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi tiền tuyến

Bộ phim do nghệ sĩ Phạm Kỳ Nam đạo diễn và các diễn viên: NSND Trần Phương vai Vũ Khiêm, NSND Thế Anh vai Lê Huy, NSƯT Thanh Tú vai Hương Giang… “Tiền tuyến gọi” đã đoạt giải thưởng Apsara Vàng cho kịch bản tại LHP Quốc tế và Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ 2.

Thời ấy, cả một thập kỷ, “Tiền tuyến gọi” được dư luận xã hội coi như một sự kiện văn hoá. Tác giả Trần Quán Anh đã được nhắc tới như một hiện tượng của đời sống sân khấu. Bởi lẽ, lần đầu tiên, những vấn đề thuộc về ngành y được đưa lên sàn diễn. Vở kịch đã cho người xem hiểu được sự đóng góp to lớn và hy sinh cao cả của những người chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, góp một tiếng nói tươi mới, làm phong phú đời sống sân khấu miền Bắc giai đoạn đó và nhất là, động viên tinh thần đồng bào và chiến sĩ. Chính bộ phim này cũng được nhắc đến trong cuốn nhật ký nổi tiếng của Anh hùng Đặng Thùy Trâm - một học trò của tác giả kịch bản. Làm “rung chấn” lịch sử sân khấu và điện ảnh nước nhà gần chục năm, nhưng rồi, tên tuổi Trần Quán Anh lại hoàn toàn vắng bóng suốt mấy mươi năm qua.

Thì ra, tác giả của “Tiền tuyến gọi” không phải là một kịch tác gia chuyên nghiệp. Ông là một giáo sư Nam học danh tiếng ở BV Việt Đức và trường Đại học Y Hà Nội. Nghe tôi hỏi nguyên do nào khiến GS.TS Trần Quán Anh đã có một kịch bản để đời, nhưng rồi lại bỏ bút một cách đáng tiếc, ông hồn hậu: “Tôi viết chỉ vì yêu ngành y, mà không viết nữa cũng vì quá yêu ngành y!”. Và ông kể cho tôi nghe xuất xứ ra đời của “Tiền tuyến gọi” chỉ là sự tình cờ.

Trong những năm chống Mỹ, GS.TS Trần Quán Anh thường xuyên có mặt ở chiến trường, thuộc hàng kỷ lục ở BV Việt Đức. Có thời gian, ông sống gần một năm trời dưới lòng địa đạo để cứu chữa thương binh. Ông cũng phải chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến: Có lần, hai vợ chồng người bác sỹ quân y vừa rời khỏi hầm của ông để về đơn vị, người chồng quên chiếc mũ quay lại lấy, chỉ vài phút mà ra nơi vợ chờ, thì chị đã hy sinh… 8 tháng liền, đoàn cán bộ tăng viện của ông gồm 10 người mà mỗi ngày chỉ có 1 bò gạo và 7 miếng tóp mỡ! Nhiều bác sĩ vì sống quá lâu trong địa đạo nên khi lên mặt đất đã bị ngộp thở! Sự khốc liệt của chiến trận đến nỗi, ông và các đồng nghiệp sống sót đều tự hỏi: Quái lạ! Sao ngày đó mình không chết?

Thực tế đã giúp ông hiểu sâu sắc về sự hy sinh và đóng góp vô bờ của những người thầy thuốc -chiến sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rời mặt trận Quảng Bình, Trần Quán Anh tìm gặp các kịch tác gia Lưu Trọng Lư, Lộng Chương và nói: “Ngành y đóng góp cho cuộc chiến nhiều thế mà chả có tác phẩm sân khấu nào phản ánh!”. Nào ngờ, lại được động viên: “Anh tâm huyết, lại có vốn sống như thế, sao không viết đi?”. Mong muốn phản ánh thực tế cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ áo trắng cứ đau đáu trong ông, lại được các nhà biên kịch tài ba khuyến khích, thế là Trần Quán Anh bắt tay viết. Do rất bận, ông phải tranh thủ sáng tác. Sau một ngày làm việc cật lực, đêm khuya, ông lại ngồi dưới ngọn đèn dầu, đưa ký ức của chính mình lên trang giấy. Những trang nhật ký chiến trường trở thành tư liệu quý. Các nhân vật, sự kiện đều bắt nguồn từ cuộc sống nên chân thực, sống động và đầy sức thuyết phục.

Ông cũng không ngờ vở kịch đầu tay của một tác giả nghiệp dư lại được đoàn kịch của Thủ đô dàn dựng ngay và thành công vang dội đến thế! Cái tên Trần Quán Anh vang trên sân khấu mỗi đêm. Nhà thơ Tố Hữu - khi đó là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã khuyên ông chuyển sang viết kịch chuyên nghiệp. Nhưng ông hiểu rằng, cả 2 nghề đều đòi hỏi tâm huyết và lao động nghiêm cẩn, mà nếu làm hết trách nhiệm sẽ không đủ sức, hơn nữa, bước vào nghiệp viết chỉ do quá yêu ngành, thế là BS. Trần Quán Anh quyết định con đường cầm dao mổ chứ không rẽ sang nghề cầm bút!

Dĩ nhiên, để có quyết định đó cũng là một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt, vì ông vốn đam mê sân khấu từ nhỏ, lại thành công ngay ở kịch bản trình làng! Suốt gần 40 năm qua, ông “trốn tránh” tất cả các buổi biểu diễn sân khấu, dù nhiều lần cầm vé mời trong tay và dù niềm đam mê vẫn hối thúc. Chỉ bởi ông sợ gặp lại bạn viết cũ mà sự động viên của họ chắc chắn sẽ thổi bùng ngọn lửa đam mê trong ông!

Sau cuộc chia tay dũng cảm với nghệ thuật, BS. Trần Quán Anh dồn trọn vẹn tình yêu và tâm sức cho cái nghề ông đã quyết gắn bó thuỷ chung. Ông trở thành một trong những người xây dựng nên ngành tiết niệu học ở Việt Nam và là người đặt nền móng cho Trung tâm Nam học - BV Việt Đức. Ông liên tiếp hoàn thành hơn 30 đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời, hướng dẫn luận án thành công cho hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ và chuyên khoa cấp II. Không chỉ là người đề xướng xây dựng và phát triển ngành nam giới học, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên ngành ngoại khoa. Với những nghiên cứu khoa học, “Người đương thời” Trần Quán Anh đã cứu chữa cho hàng nghìn người đàn ông bị bệnh “khó nói”, mang lại tiếng cười hạnh phúc cho tổ ấm của họ. Ghi nhận những cống hiến của ông, Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý.

Nghỉ hưu, GS.TS Trần Quán Anh vẫn nhận lời làm giảng viên cao cấp khoa Tiết niệu, Trung tâm Nam học. Ông còn là Tổng thư ký Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam… Dẫu công việc luôn bộn bề, ông vẫn muốn, nếu có thời gian, ông sẽ tập trung cho cuốn hồi ký, bởi: Thế hệ chúng tôi đã có một quãng đời đáng nhớ trong kháng chiến. Những ngày còn lại của cuộc đời, tôi mong sao giữ gìn được danh tiếng xứng đáng với quá khứ vẻ vang của cả thế hệ!

Dạ Miên