Không chỉ là vấn đề kinh tế

ANTĐ - Người nhập cư đang trở thành vấn đề chính trị ở Anh khi thống kê mới nhất cho thấy có tới hơn 600 nghìn người nhập cư từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang cư trú ở Anh bị thất nghiệp.
Không chỉ là vấn đề kinh tế ảnh 1
Dòng người thất nghiệp tại một trung tâm giới thiệu việc làm ở Anh

Con số này được đưa ra trong báo cáo của Cao ủy EU phụ trách việc làm và các vấn đề xã hội L. Andor, công bố ngày 13-10. Theo báo cáo trên, mức thất nghiệp của người nhập cư năm nay tại “xứ sở Sương mù” cao hơn con số 430 nghìn người của năm 2006, thời điểm số người nhập cư không có việc làm bắt đầu tăng lên, chủ yếu là những công dân đến từ các quốc gia thành viên mới gia nhập EU đầu năm 2004.  Thực tế thì thất nghiệp đang là vấn đề chung của EU chứ không chỉ riêng với Anh và người nhập cư ở Anh. Khủng hoảng nợ công hoành hành tại châu Âu cũng như triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới còn mong manh đang làm tỷ lệ thất nghiệp tại 27 nước thành viên EU đứng ở mức cao kỷ lục, gần 11% trên toàn EU và 12% tại Khu vực đồng euro (Eurozone). Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tại EU đã lên tới 23,5%. Riêng tại Anh, con số người thất nghiệp là 2,51 triệu người, tương đương 7,8% lực lượng lao động. Tuy nhiên, việc người nhập cư ở Anh thất nghiệp tăng cao có yếu tố chính trị - xã hội. Nhiều người Anh lo rằng đến cuối năm 2013, khi các quy định hạn chế tạm thời công dân Bulgaria và Romania, hai quốc gia gia nhập EU năm 2007, đến sống và làm việc ở đảo quốc Sương mù, hết hiệu lực, làn sóng nhập cư từ Bulgaria và Romania đến Anh sẽ tăng vọt và sẽ chiếm chỗ làm việc của người bản địa. Vì thế mà người nhập cư bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Lại có những thông tin cho rằng số lượng lớn người nhập cư vào Anh bị thất nghiệp đang gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia này. Ví dụ, Chính phủ Vương quốc Anh phải chi 1,5 tỷ bảng (tương đương 2,4 tỷ USD) mỗi năm chỉ cho các dịch vụ y tế đối với người nhập cư nước ngoài lưu trú tại nước này. Vậy người nhập cư có đóng góp gì cho nước Anh? Trong buổi phỏng vấn với báo La Croix, một giáo sư xã hội học tại London School of Economics cho rằng, cấu trúc xã hội Anh đã thay đổi và tầng lớp trung lưu ngày càng đông hơn. Công việc lao động phổ thông không được người gốc Anh quan tâm tới mà chỉ có người nhập cư đảm nhận những vị trí này. Người Anh bản địa không muốn làm những công việc thấp kém vì, ngoài vấn đề lương ít và nặng nhọc, còn là vấn đề danh dự. Chính vì thế, người nhập cư không hề có sự cạnh tranh việc làm với người Anh chính gốc.  Vị giáo sư xã hội học trên còn chỉ ra rằng những người nhập cư “đơn thương độc mã” tới Anh hoặc có gánh nặng gia đình thường buộc phải chấp nhận mọi công việc và thời gian làm việc để kiếm sống. Nhiều người có học cũng đành phải làm những công việc trái ngành nghề. Còn về ý kiến cho rằng người nhập cư lạm dụng chính sách xã hội tại Anh, giáo sư đánh giá là sai, vì những người này lao động và đóng thuế. Trong số những người nhập cư, có rất nhiều thanh niên và họ thường ít sử dụng hệ thống y tế. Chính vì thế, việc tỷ lệ thất nghiệp của người nhập cư ở Anh tăng cao không chỉ là hệ quả của các khó khăn kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội. Hiện tại Chính phủ Anh đang có kế hoạch thông qua một dự luật nhập cư mới, giúp nhà chức trách dễ dàng hơn trong việc “cản bước” người nhập cư bằng cách hạn chế quyền kháng cáo, thắt chặt việc sử dụng luật nhân quyền cũng như việc tiếp cận dịch vụ y tế.