Philippines cho Mỹ “mượn” căn cứ đối phó với tình hình bán đảo Triều Tiên?

ANTĐ - Hôm 5-4, Mỹ và Philippines đã khai mạc cuộc tập trận chung mang tên Balikatan (Vai kề vai) kéo dài 2 tuần, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp lãnh trên biển Đông giữa một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc đang gia tăng.

Ngày 05-4, phát biểu sau lễ khai mạc cuộc tập trận chung Balikatan, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, nước này sẵn sàng giúp đỡ Mỹ phòng thủ, chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, một tín hiệu cho thấy Manila sẽ cho phép quân đội Mỹ mở rộng quyền sử dụng các căn cứ quân sự tại nước này.

Trước đó, Quân đội Mỹ đã từng sử dụng các căn cứ quân sự và sân bay dân sự ở Philippines để sửa chữa, tiếp nhiên liệu cho máy bay, tàu chiến được triển khai trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Hiện Mỹ cũng đã triển khai tàu chiến thường trực tại cảng Subic, một căn cứ cũ của Hạm đội 7, và máy bay tại căn cứ Clark - một căn cứ không quân cũ của Mỹ trên đảo Luzon.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các nhà báo tại Trại Aguinaldo, thành phố Quezon, ngoại ô Manila: “Tôi cho rằng chúng tôi đều quan ngại về những hành động của Triều Tiên. Chúng tôi có những kế hoạch hành động khẩn cấp riêng mà chúng tôi đang soạn thảo”.

Ngoại trưởng Philippines, Đại sứ Mỹ và các quan chức quân đội 2 bên
trong lễ khai mạc diễn tập Balikatan

Khi được hỏi về việc liệu Philippines có cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ của mình, trong trường hợp Washington bị Triều Tiên tấn công hay không, ông đã không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Thay vào đó, ông dẫn một nghĩa vụ của Philippines với tư cách là một đồng minh của Mỹ theo Hiệp ước Phòng thủ Liên minh: "Tôi cho rằng là đồng minh hiệp ước, nếu xảy ra một cuộc tấn công, chúng tôi cần phải giúp đỡ lẫn nhau".

Manila đã ký một Hiệp ước Phòng thủ Liên minh với Washington vào năm 1951, một trong những liên kết quan trọng trong chuỗi liên minh an ninh của Mỹ, với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Australia.

Hôm 5-4, hai nước đã khai mạc cuộc tập trận chung mang tên Balikatan (Vai kề vai) kéo dài 2 tuần trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp lãnh hải trên biển Đông giữa một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc đang gia tăng.

“Balikatan với các khoa mục diễn tập phức tạp và toàn diện là một sự đóng góp quan trọng, không chỉ trong việc chuẩn bị cho quân đội hai nước phối hợp cùng nhau, mà còn trong việc xây dựng khả năng tự phòng thủ của đất nước tôi”, ông Albert del Rosario kết luận.