Kỷ niệm 37 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 40 năm Giải phóng Quảng Trị

Quảng Trị, ngoảnh lại 40 năm

ANTĐ - Bây giờ là tháng Tư lịch sử. Người Quảng Trị đang náo nức kỷ niệm 40 năm ngày quê hương giải phóng...

Nhiều lần tôi đã lỡ hẹn với anh Đào Lê Bình - TBT Báo An ninh Thủ đô trong những chuyến đi tặng quà và nhà tình nghĩa cho bà con miền núi Quảng Trị. Tôi hiểu Bình cũng như những người làm báo Thủ đô ấy từ lâu hướng lòng mình về miền đất lửa một thời nay còn nhiều thương khó.Quê tôi đấy!  Nhưng từ chiến tranh đi ra, sau này tôi  tha hương nơi xứ khác. Về lại Quảng Trị hôm nay bỗng dưng không muốn khóc mà sao nước mắt trào. Nước mắt vui vì màu xanh đã trở lại nơi này, đem theo no ấm, trù phú về trên một vùng ngày xưa là đất chết, với vô số “vành đai trắng”... 

Xưa Nguyễn Duy từng viết: Cát trắng bên ni sao trắng lạnh trắng lùng/ Trắng đất trắng đai trắng một vành đai trắng/ Ấp chiến lược như nấm mồ câm lặng... Nguyễn Duy ngồi đó bên bờ hồ Hà Nội cùng tôi ngó mông lung, khi nghe tôi đọc lại những câu thơ trong những bài thơ trong tập Cát trắng viết về Quảng Trị năm xưa … Còn bây giờ, một  màu xanh  như sự sống ngập tràn  từ cỏ non thành cổ đến những cánh rừng  cao su, hồ tiêu, cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa, Dốc Miếu, Cồn Tiên. Đồng Vĩnh Linh xưa hố bom chi chít  thế mà nay lúa đã ngập vàng. Và nơi xưa cồn cát  Gio Linh, Cửa Việt  xa xôi như ốc đảo nay đã có những cây cầu bắc qua nối Cửa Tùng, Cửa Việt đem theo về sự sống náo nức  cho vùng biển nghèo...Tôi vui quá, hay vì ngày xưa đau đớn quá mà khóc đấy thôi. 

Nhớ lần lên thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Hoa, người em tôi sinh sau năm 75 thắp hương lên mộ các anh hùng liệt  sĩ mà mắt thì đỏ hoe. Phải thôi, khi em sinh là ngày chúng tôi đã kéo về thành phố Đông Hà mừng giải phóng. Và lúc này em đứng trước những nấm mồ kia, mà người dưới đó xưa là đồng đội tôi. Em khóc cho những người bạn tôi hay khóc thay cho cả tôi không còn lệ đau nhớ bạn.

 Mỗi lần về đây lên viếng hai nghĩa trang quốc gia dù lòng đã nhủ lòng mà sao tiếng nấc khó ngăn lại từ tâm can. Không thể nào mang đủ hương thơm thắp  cho mỗi người dưới mộ, đành đi về phía đầu gió, cắm lên để gió đem chút khói tỏa khắp nghĩa trang mênh mông… Lòng nặng trĩu mỗi khi đi qua những khu mộ “chưa biết tên”. Chưa biết tên, bạn hòa nhau xương thịt mất rồi, đến cái tên không còn để đề lên bia mộ. Thôi các anh hãy yên nằm, đất nước mình đâu cũng quê hương. Người Quảng Trị gồng mình lên đi qua hai cuộc chiến trường kỳ máu lửa. Bây giờ cũng người Quảng Trị thay mặt 80 triệu đồng bào mà lo việc khói nhang cho hương hồn các liệt sĩ vì Tổ quốc mà nằm lại. Mấy mươi tỉnh thành là bấy nhiêu khu mộ liệt sĩ với cái nhà tưởng niệm được xây dựng mang dáng dáp quê hương các anh… Mới đây thôi có hội thảo văn học Việt Mỹ ở Huế, những người lính tham gia giải phóng Quảng Trị năm nào lại gặp nhau.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kể rằng, ông đã dẫn các cựu chiến binh quân giải phóng về Quảng Trị. Chuyện kể trận làng Vây lần đầu tăng thiết giáp quân Giải phóng tràn vào bất ngờ gấy chấn động dư luận báo chí quốc tế. Những chiếc xe tăng nặng hàng ba bốn chục tấn lù lù xuất hiện xông lên diệt địch khiến quân Mỹ hoảng loạn. Nhà văn Mỹ Kevin Bowen ngày ấy ở bên kia chiến tuyến, nay thú vị về bí mật lần đầu công bố này: xe tăng đánh Làng Vây nhờ  kết bè và thuyền gỗ lại để đẩy tăng  theo những con suối. Cuộc hội ngộ tháng Ba có cả Nguyễn Duy, nguyên là lính thông tin ở Quảng Trị và Đỗ Chu với tư cách phóng viên mặt trận... Lần đầu tiên Đỗ Chu phát hiện trên bức ảnh treo ở bảo tàng Tà Cơn bên cạnh tướng Lê Quang Đạo và các vị tướng khác….  

 Thăm Thành cổ hôm nay, vào bảo tàng đọc tên 4000 con người có trong cuốn sổ ghi danh, lòng không muốn mà sao nghẹn nấc. Nhìn những bức ảnh của anh Đoàn Công Tính chụp kia, người chiến sĩ Thành cổ nở nụ cười tươi trẻ mà tôi lã chã lệ thầm. Nụ cười kia, nước mắt này sao khác nhau mà lại giống nhau sau bốn chục năm …Anh Tính gửi ảnh cho tôi và kể với tôi rằng người trong ảnh ấy  hiện còn sống nhưng khuất lấp giữa cuộc đời gian khó. Lê Xuân Chinh người có nụ cười thành cổ ấy hiện vẫn còn đang bươn chải tận miệt núi cao Điện Biên tỉnh Điện Biên… Căn nhà nhỏ của Đoàn Công Tính ở TP.HCM được dành lầu trên làm một bảo tàng mini, trưng bày những kỷ vật thời chiến tranh và những tấm ảnh chiến trường. Ở đó vẫn như còn hơi nóng của bom, đạn, khói lửa của gần 40 năm trước. Anh Tính kể: Hình như linh hồn những người đồng đội che chở cho tôi, để tôi đem về những bức ảnh thành cổ lịch sử. Trong cái chảo lửa thành cổ ngày đó không ai có thể tin mình sống sót trở về. Lúc đầu anh em ở tỉnh đội không cho tôi tiếp cận thành cổ bởi họ tin sẽ khó nguyên vẹn trở ra… Nhưng ở mãi bờ Hiếu giang không thể có những bức ảnh  thật về thất bại của địch ở đây trong khi chúng dựng hiện trường giả ở Huế rồi chụp ảnh lu loa lên là đã tái chiếm thành cổ Quảng Trị. Trận quyết chiến này là đòn thắng quân sự quyết định  cho hội nghị Paris thắng lợi.

 Lê Bá Dương năm nào dịp này cũng trở về Thành cổ và Đông Hà, Cửa Việt... Anh đi tìm đồng đội cũ, người còn người mất, hay tìm về quá vãng  oanh liệt của đời mình…Bài thơ về Thạch Hãn của Dương bây giờ thành những câu thơ kinh điển của một dòng sông, thành “bia chữ” nhớ thương đồng đội đã ngã xuống dòng Thạch Hãn hòa máu mình ra biển.

Để có một ngày, khi đất nước hòa bình, người cựu chiến binh Lê Bá Dương đã trở về với những câu thơ yêu thương dành cho đồng đội: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. Thành cổ Quảng Trị thành cái tên địa danh nổi tiếng từ ngày ấy bởi đây là nơi đối đầu lịch sử 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Thành cổ nổi tiếng thêm từ bức ảnh “Nụ cười “Thành cổ”. Nụ cười là sức mạnh và tôi hiểu nước mắt hôm nay cũng là niềm  hạnh phúc khi ta được sống những ngày đáng sống. Tôi dám chắc  không ai hiểu giá của hòa bình bằng người Quảng Trị và hàng vạn người con trăm miền đã hy sinh cho đất nước. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân làm nên bản hùng ca bất tử. Bốn mươi năm vụt qua như cái chớp mắt của lịch sử. Chỉ nỗi đau của mẹ là lâu bền, chỉ màu xanh trên đất này nhắc ta về sức sống  của hòa bình xây dựng. Tôi đứng ngắm cái xác xe tăng bốn mươi năm trước đã trèo lên đó chụp hình. Bức hình ấy và bây giờ là quá nửa đời người. Đông Hà lên thành phố - một thành phố trẻ nơi giao thoa của tất cả miền văn hóa, nơi cái eo của địa hình bản đồ Tổ quốc và cũng là cái eo lịch sử cho người ra Bắc vào Nam ghé lại trong hành hương trở về ngày toàn thắng… 

 Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc sở VHTTDL Quảng Trị, người con của Vĩnh linh bên bờ sông tuyến ngày nào tâm sự: Đất này ngày xưa khốc liệt quá bởi chiến tranh, bây giờ tiếng là giàu tiềm năng văn hóa du lịch nhân văn nhưng mà tỉnh còn nghèo, mọi việc vẫn phải gồng mình lên để lo liệu cho lịch sử, cho mai sau. Nguyễn Hữu Thắng bảo, bao nhiêu việc đã làm được nhưng nợ với đồng bào đồng chí vẫn còn đó rất nặng nề. Quảng Trị gồng mình lên để lo đền ơn đáp nghĩa đồng bào đồng chí hy sinh trên quê hương/ cho quê hương này. Còn nhớ người tiền nhiệm của anh Thắng, nhà văn Xuân Đức từng ví von một cách đau đớn rằng: Đất này có thế mạnh là… và tiềm năng  đều là... gắn nỗi đau mất mát. Cái câu nói ấy đau suốt trong tôi. Tôi nhớ năm nào Quảng Trị tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông bên bờ Bến Hải, khi bài Văn tế liệt sĩ đôi bờ Hiền Lương được đọc, hàng vạn người đã tầm tã lệ như mưa. Phải thôi, ngày vui mà không ai cầm được nước mắt bởi có hòa bình  độc lập, bao người con đất Việt đã ngã xuống đôi bờ sông lịch sử. Mấy lần nhà thơ Đặng Vương Hưng mời ra mắt những cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và lần nào bạn bè và tôi đều ngẩn ngơ nhớ tiếc những con người  tài hoa một lứa ra trận ngày ấy. Nếu không có  chiến tranh, nếu không có cuộc đối đầu từ đất này thì bao nhiêu tài hoa ra trận ngày ấy, như Nguyễn Văn Thạc đã có thể là nhà văn lớn, và Hoàng Thượng Lân đã là họa sĩ lớn... 

Bốn mươi năm đi qua trên mảnh đất chiến trường xưa, thị xã Quảng Trị  hôm nay đã phục sinh trên từng ngôi nhà, công thự, hàng cây góc phố, trở thành “thành phố tưởng niệm”, là địa chỉ hành hương mà hàng năm vào dịp này có hàng vạn người khắp xứ  trở về để ngưỡng vọng một sự tích anh hùng. Cái thị xã nhỏ  nhoi bên dòng Thạch Hãn kiêu hãnh hôm nay như đang đón cả loài người về đây ngưỡng vọng ý chí anh hùng của một dân tộc anh hùng... Tháng Tư này anh Lê Hữu Thăng - nguyên phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị vừa gửi cho tôi những trang hồi ký  về những ngày trong nhà lao Quảng Trị. Từ Lao Xá ấy, từ miền đất ác liệt nhất của cuộc chiến,  nhiều người thành danh nhờ tôi luyện  và trưởng thành, như anh Nguyễn Minh Kỳ nguyên Chủ tịch Quảng Trị, một thời được xem là “Hùm xám đường Chín”, như Lê Hữu Thăng và rất nhiều người con ưu tú đất này…

Lúc này bắt đầu vào mùa hạ, qua Thành cổ, gió Lào đã thổi về mang theo cái khô rát. Có điều kỳ lạ là cỏ dưới chân thành thì vẫn cứ xanh tươi, như đó đó là bí ẩn của mảnh đất này, là sự trở về  của anh linh những chiến sĩ trẻ ngã xuống nơi đây  trong đó nhiều người là sinh viên ra đi từ Hà Nội năm ấy. “Cỏ non xanh tươi xin chớ vô tình”. Vâng! Không có thể ai vô tình trước lịch sử, và những vết thương của đất nước, ở nơi này...

Quảng Trị - Hà Nội cuối tháng Tư 2012