Quản lý động vật hoang dã còn nhiều lỏng lẻo

ANTĐ - Trong khi cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) còn chưa có hồi kết thì mới đây, Bộ NN&PTNT lại có Thông tư 47 cho phép khai thác 160 loài động vật rừng phục vụ thương mại. Đây là động thái hợp pháp hóa hoạt động săn bắn, nuôi nhốt ĐVHD bấy lâu?

Nhiều loại thú rừng bị đe dọa vì quy định “cởi trói” của Bộ NN&PTNT

Hết cá sấu đến hổ đe dọa

Còn nhớ, ngày 12-10, hàng trăm con cá sấu tại trang trại của Công ty TNHH Kinh doanh - Chế biến thủy sản - Xuất nhập khẩu Quốc Việt bị sổng chuồng do sự cố sụp tường rào. Từ đó đến nay, việc truy lùng cá sấu sổng chuồng vẫn chưa kết thúc, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở ấp Cây Trâm A (xã Bình Định, TP Cà Mau) bị đe dọa. Cũng từ 12-10 đến nay, công ty này đã cho công nhân phá tan nát rau màu, cây cối của người dân trong ấp để truy bắt cá sấu. Cũng vì sự cố cá sấu sổng chuồng mà Trường tiểu học Kim Đồng phải tạm ngưng việc giảng dạy, cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em. Hiện, Công ty Quốc Việt vẫn chưa xác định được số lượng cá sấu sổng chuồng chính xác là bao nhiêu con. 

Sự việc hàng trăm con cá sấu sổng chuồng chưa lắng xuống thì tại Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan đang phải tích cực vào cuộc truy tìm 4 cá thể hổ được cho rằng, người dân đang nuôi nhốt trái phép như nuôi lợn. Thông tin này, không những khiến toàn bộ lãnh đạo huyện Đô Thành, các ngành liên quan như Kiểm lâm, NN&PTNT đều “giật mình” mà còn khiến cho người dân trên địa bàn lo sợ. Vì, nếu là nuôi nhốt trái phép, không đảm bảo quy định về chuồng trại, hổ sổng chuồng thì nguy cơ đe dọa đến tính mạng rất cao. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý. Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, hành vi nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp, không đăng ký trại nuôi là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), gây nguy hiểm tới cộng đồng, tác động xấu tới môi trường và hình ảnh của Việt Nam đối với những nỗ lực về bảo tồn thiên nhiên trong cộng đồng quốc tế. 

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra đồng bộ các hoạt động mua bán, kinh doanh, nuôi nhốt hổ và các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; xử lý kịp thời hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước theo đúng pháp luật.

Khó hiểu quy định mới

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong lĩnh vực nuôi nhốt ĐVHD, Nghị định của Chính phủ cũng như nhiều Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật khác đã quy định khá chặt chẽ về việc xử lý, chế tài xử lý. Thậm chí, về chuồng trại nuôi nhốt, lồng nuôi nhốt cũng đã có quy định cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, việc thực thi của các cơ sở nuôi nhốt cũng như cá nhân nuôi nhốt còn chưa được đảm bảo. 

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 47 quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường, có hiệu lực từ ngày 9-11 tới đây. Theo ông Tuấn, Thông tư 47 nhằm thiết lập quy định pháp lý để đưa việc khai thác từ tự nhiên vào khuôn khổ, đồng thời lấp “khoảng trống” chế tài xử lý các vi phạm đang diễn ra trong nhiều năm qua.

Song, theo bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trên thực tế, các cơ quan chức năng địa phương rất hạn chế trong việc định dạng chính xác các loài; những người khai thác, buôn bán, nhân nuôi vì mục đích thương mại lại càng thiếu kiến thức này. Vì vậy, việc khai thác và nhân nuôi vì mục đích thương mại chỉ nên hạn chế ở một số nhóm loài dễ dàng phân biệt, kể cả khi sống và chết. Còn một số loài có đặc điểm gần hay tương tự nhau như chim, cầy, chồn, rắn, thằn lằn... rất khó phân biệt thì chỉ nên cho khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, dù Thông tư 47 quy định không được khai thác thú rừng vì mục đích thương mại trong các vườn quốc gia khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng một thực tế, đến nay, ý thức người dân trong việc bảo vệ ĐVHD chưa cao, nếu cho phép người dân vào rừng khai thác các loại động vật, do ý thức tự giác chưa cao nên gặp loài nào cũng bắt, dẫn đến nhiều loài động vật nằm trong danh mục cấm sẽ bị ảnh hưởng.