Loài kiến là giải pháp cho sự… nóng lên toàn cầu?

ANTĐ -Các nhà khoa học đã chứng minh, khí thải nhà kính, đặc biệt là khí cac-bon-nic hiện đang là vấn đề môi trường lớn nhất của Trái đất. Nhưng họ không thể ngờ rằng giải pháp cho vấn đề toàn cầu này lại chẳng ở đâu xa mà ở ngay cạnh chúng ta mỗi ngày. Đó chính là loài kiến. 
Ronald Dorn, một nhà địa chất học tại Đại học Bang Arizona ở Tempe, vừa hoàn thành một nghiên cứu sau 25 năm tìm tòi về loài kiến - đặc biệt là cách một số loài kiến thay đổi, cách chúng phá vỡ khoáng chất rồi tiết ra canxi cacbonat (đá vôi). Trong quá trình này, các phân tử cac-bon-nic siêu nhỏ bị mắc kẹt bên trong đá vôi, nhờ đó mà cac-bon-nic không thải ra khí quyển.

Dorn đã viết về phát hiện này trong lần phát hành gần nhất của tạp chí Địa chất. Ông bắt đầu nghiên cứu của mình 25 năm trước khi ông quan sát thấy rằng những tổ kiến phá vỡ cấu trúc các bãi cát đá.

Để nghiên cứu những tác động lâu dài của hiện tượng này, ông đã nghiên cứu các bãi cát đá ở 6 địa điểm khác nhau tại Catalina Arizona và Texas Palo Duro Canyon. Cứ năm năm một lần, ông đến đo đạc tỉ lệ của các khoáng chất Olivin và Plagiocla. Và ông đã phát hiện ra loài kiến đã khiến tỉ lệ này giảm nhanh 300 lần so với quá trình tự nhiên. 

Kiến thợ mang cát về xây tổ

Hiện tại, việc đá vôi và các hạt khí cac-bon-nic mắc kẹt trong đó được hình thành như thế nào hiện vẫn còn chưa được xác định. Có thể quá trình này được thực hiện khi các kiến thợ đã tiết ra một chất gì đó để dính cát lên các bức tường trong tổ kiến, hoặc xảy ra trong lúc các hạt cát được kiến thợ nuốt vào, bài tiết ra ngoài. 

Theo như ông Dorn thì: “Chúng ta không biết loài kiến đã tiết ra chất gì hay đã nuốt cát như thế nào, liệu chúng có loại vi khuẩn gì đó trong ruột mà ta chưa biết”.

Liệu rằng con người chúng ta có thể làm giảm sự thay đổi khí hậu bằng cách nghiên cứu loài kiến hay không? Ông Dorn vẫn chưa xác định được lượng khí cac-bon-nic mà loài kiến loại bỏ được khỏi khí quyển là bao nhiêu. Tuy nhiên, quá trình này tương tự với quá trình xử lí khí cac-bon-nic của cây xanh và đại dương đều là những quá trình ít tốn kém (và an toàn hơn nhiều) so với các quá trình xử lý khí cac-bon-nic nhân tạo hay việc bơm khí cac-bon-nic xuống các giếng lưu trữ sâu trong lòng đất. 

Quả thật, công cuộc nghiên cứu kéo dài suốt 25 năm qua của nhà địa chất Ronald Dorn rất có giá trị và đáng hoan nghênh, mở ra một hướng đi mới trong việc nghiên cứu các giải pháp giải quyết sự nóng lên của toàn cầu.