Phải quản chặt học sinh ngoài giờ lên lớp

ANTĐ - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm đối với học sinh, đặc biệt là tai nạn đuối nước bên ngoài nhà trường, ngoài giờ học chính khóa. Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng việc quản lý học sinh sau giờ học chưa được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm... 

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường

để giúp học sinh sử dụng quỹ thời gian hợp lý hơn (Ảnh minh họa)

Không thể phó thác cho nhà trường

15h ngày 12-9, đã xảy ra vụ chết đuối thương tâm tại hồ chứa nước Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cướp đi sinh mạng của 8 học sinh nữ đang học lớp 7, lớp 8 trường THCS An Mỹ. Điều đáng nói, khi nhìn thấy các bạn bị nạn, những em trên bờ đã không hô hoán, gọi người lớn mà lại gọi cho bạn cùng lớp đến. Bởi thế, trước sự bất lực của nhóm trên bờ và sự chậm trễ trong cứu nạn đã khiến 8 em tử vong. Lý do của hành động trên được lý giải có thể do các em sợ người lớn biết chuyện, bởi buổi chiều hôm đó, các em đến trường và được thông báo nghỉ học. Nhưng thay vì về nhà, các em lại rủ nhau ra hồ nước để chơi. 

Sau khi vụ việc xảy ra, không ít phụ huynh đã giật mình vì từ trước đến nay họ đã lơ là trong việc quản lý thời gian của con em mình trong và sau giờ học. Rõ ràng các em đáng thương hơn đáng trách, song một lần nữa, có thể thấy câu chuyện giáo dục học sinh bằng sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương cũng như toàn xã hội không bao giờ cũ.

Chị Phan Thuý Ngân, ở khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ chưa hoàn hồn khi kể lại câu chuyện xảy ra với cô con gái đang học lớp 6 cách đây chưa lâu: “Cách đây 2 tuần, tôi vô tình nhận được điện thoại của một phụ huynh hỏi có biết về việc nhà trường cho các cháu nghỉ học không. Lúc ấy, tôi mới biết rằng từ lâu đã quá  chủ quan trong việc quản lý quỹ thời gian của con gái nên không hề hay biết cháu đi đâu, làm gì bên ngoài nhà trường. Và nếu không có cuộc điện thoại của vị phụ huynh đó, có lẽ đến bây giờ tôi vẫn không biết cháu thường xuyên cùng một nhóm bạn ra bãi giữa sông Hồng chơi sau mỗi giờ tan học. Thậm chí, cháu thú nhận nhiều hôm được nghỉ cả buổi học còn cùng đám bạn đạp xe đi chơi xa…”.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường là rất quan trọng để quản lý các em ngoài giờ học. Bởi đây chính là thời gian các em có cơ hội tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhằm khám phá và thỏa mãn sự tò mò của bản thân mà không bị ai kiểm soát. Do vậy, nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra sau khi các em kết thúc việc học ở trường. Đã đến lúc gia đình và nhà trường cũng như toàn xã hội cần phối hợp một cách chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu những rủi ro có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của của các em.

Được biết, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích (TNNT) cho giáo viên và học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn gửi các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; các đơn vị, trường học trực thuộc yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định nâng cao năng lực phòng chống TNTT, hạn chế thấp nhất những rủi ro diễn ra trong và ngoài nhà trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về nguyên nhân gây TNTT thường gặp trong cuộc sống như đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm… và các cách phòng tránh… Đặc biệt, sau những vụ tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ em trên địa bàn Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cha mẹ học sinh để quản lý chặt chẽ con em ngoài giờ lên lớp.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối. Trong đó, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa là 3 địa phương có số trẻ chết đuối cao nhất nước, trung bình từ 132-180 em/năm. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có gần 300 trẻ, học sinh bị đuối nước. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam chiếm vị trí thứ 2 sau tai nạn giao thông.