Nạn “giải cứu” từ xa: Hại mình, hại người

ANTĐ - Cụm từ “gọi điện thoại cho người thân”, từ chỗ chỉ là tên gọi cái “phao” trong một trò chơi trên truyền hình, giờ được dùng khá phổ biến để chỉ cách những đối tượng vi phạm giao thông dùng để thoát khỏi bị xử lý hành chính.

“Anh có quen ai thì gọi luôn đi”

Tệ gọi điện từ xa để “giải cứu” vi phạm giao thông giờ phổ biến tới mức, người viết có lần đi nhờ xe ô tô người bạn chạy quá tốc độ trên địa bàn tỉnh lân cận Hà Nội, Thanh tra giao thông khi xử lý vừa xem giấy tờ vừa bảo, “anh có quen ai thì gọi luôn đi”. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tệ “giải cứu” từ xa còn thường gặp hơn.

Gần đây, tại ngã tư Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng, khi bị tổ công tác Y4/141- CATP Hà Nội dừng xe để tiến hành kiểm tra hành chính do có hành vi vi phạm luật giao thông, đối tượng tên Nguyễn Thị Minh Tâm đã cùng bạn trai chống đối lại lực lượng chức năng. Đáng chú ý, liền sau đó, Tâm mạo danh là phóng viên một tờ báo, gọi điện cho một đồng chí lãnh đạo CATP Hà Nội để vu khống lực lượng chức năng hành hung bạn trai Tâm. Thế nhưng, thủ đoạn của Tâm đã được lực lượng chức năng CAH Từ Liêm làm rõ, Tâm không phải nhà báo. “Phóng viên” giả danh này thậm chí còn sử dụng ma túy trước khi chơi trò “giải cứu” bằng điện thoại. Được biết, trước đó, Tâm đã nhiều lần giả danh phóng viên gọi điện quấy nhiễu, “can thiệp” vào việc xử lý các đối tượng vi phạm Luật Giao thông.

Khác với Nguyễn Thị Minh Tâm, nhiều đối tượng khác thường gọi điện cho người nhà, người thân, quen có chức vụ để cầu cứu khi vi phạm luật giao thông. Trần Văn Thành, công nhân một khu công nghiệp ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), trên đường về quê (Hưng Hà, Thái Bình), khi qua Hưng Yên, bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, kiểm tra hành chính vì không đội mũ bảo hiểm. Nằn nì xin xỏ không được, Thành móc điện thoại gọi “người bác” đang làm vụ trưởng ở “trên Bộ G”. Sau một hồi trình bày cháu là con bố X, bố X lại có họ với cậu Y, ở gần nhà bác Z... rút cục đầu dây bên kia cũng đồng ý “nói chuyện” với tổ công tác đang làm nhiệm vụ. Không biết “ông bác” nói gì nhưng Thành cũng được “xí xóa” hành vi “quên” không đội mũ bảo hiểm. Thành kể, sau này, còn nhiều lần lôi “ông bác” ra để làm “bùa hộ mệnh” khi “lỡ” vượt đèn đỏ hay lại “quên” đội mũ bảo hiểm. “Thực ra, cũng chỉ là người cùng làng thôi. Gọi lần đầu thì phải giải thích dài dòng nhưng lần sau thì dễ hơn...” - Thành kể.

Chạy trời không khỏi nắng

Đôi lần “thoát” được phạt hành chính khi vi phạm luật giao thông, Thành càng ngổ ngáo khi tham gia giao thông. Đáng tiếc, “chạy trời không khỏi nắng”, mới đây, Thành đã bị một chiếc Toyota Camry đâm vào khi cố tình vượt đèn đỏ. Cũng may là Thành chỉ bị gãy chân và sây sát khắp người do ô tô chạy chậm. “Em cạch trò gọi điện rồi. Mình đi lại trên đường mà cứ còn tâm lý không sợ bị phạt, cứ thoải mái vượt đèn đỏ thì chết có ngày anh ạ...” - Thành tâm sự.

Không chỉ làm hại các đối tượng được giải cứu, việc “câu” điện thoại tới lực lượng chức năng còn có thể khiến người gọi gặp phải những phiền toái không nhỏ. Thêm vào đó, nào phải chỉ có vi phạm Luật Giao thông, những đối tượng này có khi còn chống người thi hành công vụ hay mang theo vũ khí nóng, hàng lậu, hàng giả, tàng trữ ma túy trong xe... Nếu chỉ nghe điện thoại, không có mặt tại hiện trường, “quan lớn” ra giọng thị uy có ngày bị quy là dính líu tới tội phạm. Một chỉ huy cấp Đại đội của Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CATP Hà Nội) kể lại: “Các chiến sỹ thuộc Đại đội có lần gặp phải đối tượng vi phạm say rượu, rất hung hăng khi bị dừng xe. Không chỉ chống đối quyết liệt, khi bị phát hiện có hung khí trong cốp xe, đối tượng này đã dở trò gọi điện cầu cứu một “ông anh”. Người được nhờ cứu sau khi được biết đối tượng này không chỉ vi phạm Luật Giao thông mà còn chống đối người thi hành công vụ và có mang theo hung khí đã thoái thác rằng “nó chỉ là người cùng phố, tôi không có liên quan gì đâu...”.


Cách chức người can thiệp

Nhiều Đại biểu Quốc hội rất bức xúc với trò “giải cứu” bằng điện thoại. Ghi nhận ở TP Hồ Chí Minh đang có nhiều trường hợp đối tượng vi phạm khi bị dừng xe liền gọi điện cho “quan lớn” đến giải cứu, ông Trần Du Lịch, ĐBQH khóa XIII thẳng thắn: “Nếu có cán bộ nào giải cứu người vi phạm, tôi đề nghị báo người đứng đầu quận, huyện cách chức. Một thành phố lớn mà để như vậy thì sao quản được trật tự".

Chế tài như chiếc roi sắt để giữ gìn kỷ cương, pháp luật. Thế nhưng, phải phạt đúng, phạt đủ thì chế tài mới có tác dụng. Cũng không chỉ riêng trong giao thông, hàng loạt những lĩnh vực nóng khác như tài chính - ngân hàng, vi phạm pháp luật môi trường, trật tự xây dựng hay đơn giản là hành vi vứt rác ra đường, nếu thực hiện phạt đúng, phạt đủ, tình hình chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực.

Đáng tiếc, có hàng tá lý do khiến cơ quan chức năng chưa thể phạt đúng, phạt đủ. Một phần do lực lượng quá mỏng nên chế tài đã có mà chẳng biết làm sao để vận dụng hết. Phần khác chính là tác phong làm việc thờ ơ, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, bảo kê... của một số cán bộ, công chức làm công tác quản lý. Nể nang, né tránh, ngại va chạm khi xử lý vi phạm vẫn là tình trạng không hiếm gặp. Cá biệt, có một số trường hợp “cấp trên” “can thiệp” khi “cấp dưới” đang xử lý vi phạm. Thế nên, bên cạnh việc nâng cao ý thức cho đối tượng vi phạm, có lẽ, cũng cần “nâng cấp” đạo đức công vụ, để ai đó hiểu chuyện “can thiệp” chỉ làm hại thêm người vi phạm cũng như khiến lực lượng chức năng không chùn tay trước cú điện thoại từ xa.