Yếu tố cấu thành tội phạm là người phạm tội có hành vi đe dọa giết người

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Không hiểu nguồn cơn từ đâu, thời gian gần đây, người hàng xóm nhà tôi liên tục kiếm cớ gây sự, chửi bới, thậm chí dọa giết tôi. Có lần anh ta mang chiếc búa đứng ngay đầu ngõ, bóng gió sẽ “cho thằng N” (là tôi) về chầu trời”. Tôi trình báo cơ quan chức năng, nhưng chỉ vài hôm đâu lại vào đó. Xin luật sư cho biết, hành vi người này có thể xem là tội đe dọa giết người? Tôi cần phải làm gì để bảo vệ sự an toàn của bản thân và gia đình? Đặng Văn Chinh (Hà Nội)

Hành vi đe dọa của người phạm tội phải làm cho người bị đe dọa thực sự tin rằng mình sẽ bị giết, tức là có căn cứ để xác định hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời: 

Hành vi của nam thanh niên có lần cầm búa dọa giết bạn và nhiều lần chửi bới, gây sự, dọa giết khác có dấu hiệu của tội “Đe dọa giết người” được quy định tại Điều 133, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, điều luật này quy định: “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Theo quy định nêu trên, có 2 yếu tố cấu thành tội phạm là người phạm tội phải có hành vi đe dọa người khác và hành vi đe dọa của người phạm tội phải làm cho người bị đe dọa thực sự tin rằng mình sẽ bị giết, tức là có căn cứ để xác định hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì tội phạm sẽ không cấu thành. Chẳng hạn như nam thanh niên có hành vi đe dọa giết bạn nhưng bạn lại không cảm thấy lo sợ thì nam thanh niên sẽ không phạm tội danh này.

Đối chiếu quy định pháp luật vào vụ việc của bạn thì thấy yếu tố thứ nhất đã được đáp ứng. Tức là nam thanh niên đã có nhiều hành vi đe dọa bạn và các hành vi đó diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên còn yếu tố thứ hai phụ thuộc vào ý chí của bạn, nghĩa là bạn có lo lắng sợ hãi không, có tin rằng nam thanh niên kia sẽ thực sự có hành động xâm hại đến quyền được sống của bạn hay không.

Cũng cần lưu ý rằng việc lo lắng sợ hãi không thể chỉ thể hiện qua việc bạn nói rằng bạn lo sợ, mà cũng phải có căn cứ chứng minh bạn thực sự lo sợ. Ví dụ như trong thời gian bạn bị đe dọa, cuộc sống sinh hoạt của bạn bị đảo lộn, bạn phải có nhiều biện pháp đề phòng nam thanh niên kia, hoặc bạn phải nhờ gia đình, bạn bè, người thân có hành động bảo vệ bạn trước nguy cơ bị xâm hại… thì mới chứng tỏ bạn thực sự lo lắng sợ hãi. Khi đã đủ 2 yếu tố nêu trên, cơ quan pháp luật mới có thể xử lý nam thanh niên về tội “Đe dọa giết người”.

Luật sư Giang Hồng Thanh Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Số 197, phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Để có thể chấm dứt tình trạng này, bạn cần làm đơn trình báo gửi tới cơ quan công an quận, huyện nơi bạn và người hàng xóm sinh sống để đề nghị cơ quan công an xử lý người hàng xóm. Về biện pháp xử lý đối với người hàng xóm, do bạn không nêu rõ bạn và người hàng xóm đã bao nhiêu tuổi nên có thể chia ra những trường hợp như sau: Nếu người hàng xóm dưới 16 tuổi, người đó sẽ không bị xử lý hình sự về tội “Đe dọa giết người” vì theo Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017, chỉ có người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể phạm tội danh này.

Còn nếu người hàng xóm và bạn đều từ đủ 16 tuổi trở lên, người hàng xóm sẽ bị xử lý theo khoản 1, Điều 133 với hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Và nếu người hàng xóm từ đủ 16 tuổi trở lên và bạn dưới 16 tuổi, người hàng xóm sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 133 với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.