Yêu dấu Trường Sa

(ANTĐ) - Thấm thoắt ngày tôi tạm biệt Trường Sa đã gần 2 năm. Chưa biết khi nào có thể trở lại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng ngần ấy thời gian, mỗi khi nghe đến hai chữ Trường Sa, trong tôi lại vang lên điệp khúc trong bài hát “Gần lắm Trường Sa” của Nhạc sỹ Huỳnh Phước Long: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Trong tôi rộn lên nỗi nhớ cồn cào về Trường Sa nơi ấy.

Yêu dấu Trường Sa

(ANTĐ) - Thấm thoắt ngày tôi tạm biệt Trường Sa đã gần 2 năm. Chưa biết khi nào có thể trở lại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng ngần ấy thời gian, mỗi khi nghe đến hai chữ Trường Sa, trong tôi lại vang lên điệp khúc trong bài hát “Gần lắm Trường Sa” của Nhạc sỹ Huỳnh Phước Long: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Trong tôi rộn lên nỗi nhớ cồn cào về Trường Sa nơi ấy.

Quân và dân trên đảo Sinh Tồn
Quân và dân trên đảo Sinh Tồn

1 - Lúc còn là sinh viên, tôi đã từng mong ước một lần đến với Trường Sa. Vậy mà phải sau gần 10 năm tôi mới có cơ hội thực hiện giấc mơ. Chả thế mà khi đồng chí Tổng biên tập Đào Lê Bình thông báo, có đoàn công tác của TP Hà Nội đi thăm và tặng quà quân và dân trên quần đảo Trường Sa, tôi vội vã xung phong ngay. Cái gật đầu của Ban Biên tập khiến tôi thở phào, vui sướng khôn tả.

Cuối cùng thì ước mơ cũng trở thành hiện thực. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc chuẩn bị những phần quà tặng cán bộ, chiến sỹ. Sát ngày lên đường, tại Đại hội thành lập Chi đoàn Báo An ninh Thủ đô, tôi đã xúc động gần như rơi lệ khi đón nhận tình cảm của tất cả mọi người gửi gắm. Số tiền mọi người gom góp đã được chúng tôi chuyển hóa thành những phần quà đầy ý nghĩa, thiết thực đến cán bộ, chiến sỹ đang canh giữ nơi đầu sóng ngọn gió...

2 - ...Biển hiền hòa nhất mực, nhưng cũng dữ dội tột cùng. Mỗi sải biển, bãi đá, hòn đảo chúng tôi đi qua, tất thảy đều mang dấu ấn dẻo dai của sức lực và ý chí con người trên “quần đảo bão tố”. Trường Sa hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi bấy nay.

Giữa cảnh nắng cháy là một màu xanh mướt của cây phong ba bão táp, của những vạt rau đủ loại được các chiến sỹ tăng gia trên từng tấc đất. Nước ngọt ở đảo Trường Sa Lớn giờ đây không đến nỗi quá thiếu thốn như trước. Đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo đã được cải thiện nhiều. Những giờ sinh hoạt thể thao, văn nghệ thật sôi nổi. Ai nấy đều yêu đời, không hề có cảm giác nào về khoảng cách mấy trăm cây số với đất liền. Những cánh thư theo tàu từ đất liền vẫn là quà quý, nhưng ai cũng háo hức khi chúng tôi nối điện thoại di động với đất liền.

Phút thảnh thơi của lính đảo Trường Sa
Phút thảnh thơi của lính đảo Trường Sa

Nhiều chiến sỹ đã bật khóc khi nghe tiếng người thân yêu từ đất Mẹ. Nhưng rồi, khi những xúc cảm ấy qua đi, trên từng khuôn mặt xạm đen vì nắng gió, lại thấy ánh lên niềm hạnh phúc. Tất cả sẵn sàng đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cảnh giác trước những âm mưu thâm độc của kẻ địch luôn nhòm ngó vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Giữa biển khơi mênh mông sóng nước, khi gió biển mặn chát đi qua là hơi ấm tình người còn lại bền chặt và sâu đậm.

Đêm trên đảo đầy kỷ niệm, không thể nào quên. Dù luôn bị sóng và gió đánh bạt đi, nhưng những câu hát của đoàn văn nghệ đến từ Thủ đô Hà Nội vẫn gây xúc động mạnh mẽ với mọi người. Càng xúc động hơn, khi một chiến sỹ, là thế hệ thứ hai của một gia đình trụ lại với đảo Trường Sa Lớn cất lên bài hát đầy hào khí “Dòng máu Lạc Hồng” của nhạc sỹ Lê Quang: “Dòng máu Lạc Hồng, bốn nghìn năm/Dòng máu đỏ tươi chảy trong tim mình/Nòi giống Lạc Hồng, giống Rồng Tiên/ Nguyện ôm bao đời đất mẹ/Nhịp trống hào hùng, mãi còn vang/Bao lớp người đi ra nơi biên thùy/Hình bóng mẹ già đứng đợi con/Tạc vào sử sách hào hùng/Việt Nam ơi, yêu mến ngàn đời/Yêu lũy tre xanh có con sông chảy quanh/Nào ta hát, khúc hát Lạc Hồng/Là muôn cánh chim bay rợp biển Đông/Việt Nam ơi, hãy nắm chặt tay/Tiến bước đi lên viết thêm trang sử vàng/Nào ta hát, khúc hát Việt Nam/Con cháu rồng tiên/Con cháu Lạc Hồng/Tự hào hai tiếng Việt Nam”...

Cột mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Trường Sa
Cột mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Trường Sa

Chúng tôi cũng nhớ mãi hình ảnh mấy chiến sỹ trẻ quấn lấy tôi để được hướng dẫn chơi Cờ Toán Việt Nam, môn cờ được ông Vũ Văn Bảy, một nghệ nhân ở Bắc Ninh sáng tạo ra, với khát vọng chinh phục thế giới. Các chiến sỹ tỏ ra rất hào hứng, như để chứng tỏ rằng, ngoài chuyện luyện tập sẵn sàng chiến đấu, họ còn biết học hỏi để chinh phục thế giới, chinh phục biển khơi vốn đầy thách thức. Mới đây, thông tin về cô giáo Bùi Thị Nhung (Khánh Hòa), người cùng chồng con ra đảo dạy học cho các em nhỏ khiến tôi suy nghĩ mãi.

Thật mừng và đáng kính trọng biết bao trước những chàng trai, cô gái theo tiếng gọi của Tổ quốc, bỏ lại đất liền một cuộc sống no đủ hơn, để mang con chữ đến với đảo. Rồi đây, với việc nhân rộng mô hình Khu hậu cần nghề cá thuộc Tổng Công ty Hải sản biển Đông, Bộ Thủy sản, trên đảo Đá Tây, cùng với nhiệt huyết của những cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết, cư dân trên đảo sẽ được trang bị thêm những kiến thức để khai thác tiềm năng vô cùng lớn từ biển, làm giàu đẹp thêm cho đảo thân yêu.

Mô hình Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây cần được nhân rộng
Mô hình Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây cần được nhân rộng

3 - Con tàu HQ 936 lại đưa chúng tôi về Cảng Ba Son, thành phố Hồ Chí Minh. Ngang qua Bến Nhà Rồng, bất giác tôi cảm thấy bóng dáng người thanh niên lên đường ra đi tìm đường cứu nước. Người thanh niên có ý chí và hoài bão lớn lao ấy sau này trở thành lãnh tụ kính yêu của dân tộc, được mỗi người dân Việt thân thương gọi: Bác Hồ. Người đã truyền lại cho các thế hệ trẻ Việt Nam khát khao và dũng khí để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất, sải biển, hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, bất kỳ ai cũng có cơ hội và có thể đi công tác hay du lịch ở các nước. Nhưng với tôi, không có chuyến đi đầy bất ngờ ấy, có lẽ cả đời khó mà đặt chân đến được với Trường Sa. Giờ đây, trong tôi luôn thôi thúc một mong ước, một ngày nào đó trở lại với Trường Sa, để cùng với quân và dân anh hùng ở điểm cực Đông của Tổ quốc, ngắm mặt trời chói lòa mỗi sáng mai, để tự hào gọi tên hai chữ: Việt Nam. Tôi tin, ước mơ này sẽ thành hiện thực. “Không xa đâu Trường Sa ơi”!

Hà Văn Kiệm