Xung đột ở Gaza đốt nóng “chảo lửa” Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình hình Trung Đông tiếp tục có những diễn biến căng thẳng và phức tạp. Trong khi xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza và khủng hoảng trên Biển Đỏ chưa hạ nhiệt thì hai cường quốc hàng đầu khu vực là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc tấn công vào các nhóm vũ trang trú tại các nước láng giềng Pakistan, Iraq và Syria.

Căng thẳng từ những cuộc tấn công xuyên biên giới

Hôm 16-1, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) nhắm vào 2 cứ điểm của nhóm vũ trang cực đoan Jaish al-Adl ở tỉnh Balochistan của Pakistan. Jaish al-Adl bị Iran liệt vào danh sách khủng bố và từng nhận trách nhiệm thực hiện các vụ đánh bom đẫm máu hoặc bắt cóc nhân viên an ninh Iran trong nhiều năm qua. Đây là nhóm vũ trang có thành viên là người Hồi giáo dòng Sunni, hoạt động chủ yếu ở khu vực biên giới Pakistan - Iran.

Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Pakistan vào một ngôi làng ở Saravan, Iran

Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Pakistan vào một ngôi làng ở Saravan, Iran

Trước đó một ngày, IRGC cũng đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào “các trụ sở gián điệp” của Israel tại khu vực bán tự trị của người Kurd ở Iraq. Theo Tehran, các trụ sở này là trung tâm phát triển các chiến dịch đặc biệt và lên kế hoạch của Israel cho các cuộc tấn công ở Trung Đông, đặc biệt là tại Iran, trong đó có các vụ ám sát nhằm vào các chỉ huy của IRGC. Iran còn tấn công vào các cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Đây là hành động trả đũa IS vì đã đánh bom liều chết nhằm vào đám đông tụ tập gần lăng mộ tướng Qasem Soleimani ở thành phố Kerman của Iran, khiến khoảng 90 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Gần như cùng thời gian với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mở các cuộc không kích vào các địa điểm nghi có liên quan tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Lực lượng phòng vệ nhân dân (YPG) ở Syria và Iraq. Ankara nêu mục đích của cuộc không kích là “để loại bỏ các cuộc tấn công khủng bố chống lại người dân và lực lượng an ninh của chúng tôi và để đảm bảo an ninh biên giới của chúng tôi”. Lâu nay, các lực lượng liên quan đến PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ coi có âm mưu lập ra Nhà nước độc lập của người Kurd ở khu vực Đông Nam nước này.

Việc các nước láng giềng trong khu vực Trung Đông nhắm vào lực lượng đối địch ở hai bên biên giới không phải chuyện mới, nhưng điều bất thường lần này là họ sẵn sàng tấn công xuyên biên giới mà không thông báo trước và đây chính là ngòi nổ cho những diễn biến căng thẳng tiếp theo. Để trả đũa các cuộc tấn công của Iran vào lãnh thổ của mình, hôm 18-1, Pakistan đã tấn công vào các đồn bốt của 2 nhóm ly khai là Mặt trận giải phóng Balochistan và Quân giải phóng Balochistan ở gần thành phố Saravan của Iran. Trước đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cảnh báo Iran về “những hậu quả nghiêm trọng” từ các cuộc tấn công vào lãnh thổ nước này. Bộ Ngoại giao Iraq cũng triệu hồi đại sứ của mình từ Tehran để tham vấn và triệu đại biện lâm thời của Iran ở Baghdad để phản đối việc Iran tấn công vào miền Bắc Iraq khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

Trong khi đó, tình hình trên Biển Đỏ vẫn diễn biến căng thẳng. Hôm 19-1, lực lượng Houthi ở Yemen đã tiến hành một vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào một tàu Mỹ ở Vịnh Aden. Trong một tuyên bố đăng tải trên kênh truyền hình al-Masirah của Houthi, người phát ngôn của lực lượng này Yahya Sarea nêu rõ tên lửa của Houthi đã bắn trúng tàu M/V Chem Ranger của Mỹ. Theo người phát ngôn này, động thái trên nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ và Anh nhằm vào Houthi trong thời gian gần đây, đồng thời tuyên bố Houthi sẽ duy trì các cuộc tấn công cho đến khi một lệnh ngừng bắn được thiết lập ở Gaza và phong tỏa được dỡ bỏ. Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi Houthi ngừng tấn công các tàu trên Biển Đỏ.

Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh toàn diện

Việc Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc tấn công vào các mục tiêu và các nhóm vũ trang tại các nước láng giềng Pakistan, Iraq và Syria cho thấy những thách thức an ninh trong khu vực liên quan đến hoạt động khủng bố, ly khai khiến Tehran và Ankara phải ra tay hành động để ngăn chặn. Cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định không thỏa hiệp khi an ninh của mình bị đe dọa. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề an ninh, có thể thấy những cuộc tấn công xuyên biên giới của Iran còn liên quan đến cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza và gián tiếp là căng thẳng giữa Iran với Israel và Mỹ.

Nhìn lại hoạt động đang được đẩy mạnh của các lực lượng có sự hậu thuẫn của Iran như Hamas ở Palestine, Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen, tất cả đều có một mục tiêu chung là chống lại Israel và Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà khi tuyên bố cuộc tấn công vào Iraq là một phản ứng “chống lại các phần tử và đặc vụ Mossad của Israel”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Amir-abdollahian nhấn mạnh rằng, nếu cuộc chiến của Israel ở dải Gaza kết thúc thì các cuộc xung đột khác trên khắp Trung Đông cũng sẽ kết thúc.

Các cuộc tấn công của Iran đang làm dấy lên lo ngại rằng, cuộc chiến của Israel ở Gaza có thể mở rộng thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông với những hậu quả nghiêm trọng về nhân đạo, chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh phức tạp đó, dư luận đang nhắc lại giải pháp hai Nhà nước nhằm giải quyết cuộc xung đột gay gắt giữa Israel và Palestine. Giải pháp này đề nghị chia vùng đất giữa sông Jordan và Địa Trung Hải để hình thành 2 quốc gia độc lập, có chủ quyền, tồn tại cạnh nhau là Israel và Palestine.

Đề nghị này đã được đưa ra từ lâu và nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới. Nếu được thực hiện, giải pháp này sẽ dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Palestine với lãnh thổ là khu Bờ Tây và Gaza, còn Thủ đô là phần phía Đông của thành phố Jerusalem.

Trong bài phát biểu hôm 17-1 tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại sự cần thiết của “giải pháp dẫn tới một Nhà nước Palestine”, nói rằng Israel sẽ “không có được an ninh thực sự nếu không có điều đó”.

Phát biểu trước báo giới sau khi chủ trì cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Israel - Hamas cuối tháng 11-2023, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: “Giải pháp hai Nhà nước là điểm mấu chốt cho công lý quốc tế. Không thể lùi bước trước điều đó. Nhà nước độc lập là quyền dân tộc không thể thay đổi của người dân Palestine, một quyền không thể bị đánh đổi”.

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến đầu tháng 12-2023, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng khẳng định duy trì cam kết về Nhà nước Palestine là một phần của giải pháp hai Nhà nước, vốn cho phép cả Israel và Palestine sống trong nền hòa bình công bằng, lâu dài và an toàn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại tuyên bố phản đối việc thành lập một Nhà nước Palestine. Ông khẳng định: “Trong bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai, Israel cần kiểm soát an ninh đối với tất cả lãnh thổ phía Tây sông Jordan”. Theo ông Netanyahu, một Nhà nước Palestine sẽ trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công Israel. Trước mắt, ông Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi đánh bại Hamas và giải cứu các con tin đang bị giam giữ ở Gaza.