Biển Đỏ “đỏ lửa”: Mặt trận thứ ba trong xung đột Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc xung đột giữa liên quân Mỹ - Anh với lực lượng Houthi ở Biển Đỏ và Yemen đang có nguy cơ leo thang vượt tầm kiểm soát, trở thành một mặt trận mới trong cuộc xung đột khốc liệt giữa lực lượng Hamas và Israel dẫn tới những hệ lụy khôn lường với không chỉ khu vực Trung Đông mà còn cả thế giới.

Nguy cơ đội giá năng lượng, hàng hóa

Trong động thái căng thẳng mới, liên quân Mỹ - Anh ngày 16-1 đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi tại nhiều khu vực của Yemen, trong đó có địa điểm gần Thủ đô Sanaa của quốc gia này. Đây là đợt tấn công mới nhất các lực lượng của Mỹ - Anh vào các mục tiêu của Houthi tại Yemen nhằm đáp trả việc lực lượng này tấn công các tàu thương mại, tàu dầu trên Biển Đỏ, gây ảnh hưởng đến hoạt động trên tuyến vận tải biển huyết mạch này.

Máy bay trực thăng của lực lượng Houthi bay sát một tàu hàng trên Biển Đỏ vào ngày 20-11-2023

Máy bay trực thăng của lực lượng Houthi bay sát một tàu hàng trên Biển Đỏ vào ngày 20-11-2023

Trước đó, cũng trong ngày 16-1, tàu chờ hàng MT Zografia của Hy Lạp đã trúng tên lửa ở ngoài khơi Yemen, tại vị trí cách thành phố cảng Saleef của Yemen khoảng 76 hải lý. Một ngày trước đó, ngày 15-1, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, một tàu container do Mỹ sở hữu và điều hành đã trúng một tên lửa bắn từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen.

Những động thái đáng lo ngại trên cho thấy, xung đột giữa liên quân Mỹ - Anh với lực lượng Houthi đang có nguy cơ leo thang trên Biển Đỏ, tuyến vận tải biển quan trọng hàng đầu trên thế giới. Cuộc xung đột này bắt đầu từ 2 tháng trước khi lực lượng Houthi kiểm soát một nửa lãnh thổ Yemen nằm sát Biển Đỏ cùng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa tấn công vào các tàu hàng, tàu chở dầu mà lực lượng này cho là trên vùng biển này

Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn tuyên bố, các cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine và Hamas, lực lượng cũng được Iran hậu thuẫn. Trong vòng gần 2 tháng kể từ ngày 19-11-2023, lực lượng Houthi đã dùng UAV và tên lửa tiến hành khoảng 30 cuộc tấn công vào các tàu hàng, tàu chở dầu và cả tàu chiến của Mỹ trên Biển Đỏ.

Việc Houthi liên tục tấn công tàu hàng đi qua Biển Đỏ đã gây lo ngại sâu sắc và thiệt hại nghiêm trọng bởi đây là một trong những tuyến vận tải biển mang tính huyết mạch quan trọng với không chỉ khu vực mà toàn cầu. Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, tạo ra tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á, trong đó eo biển hẹp Bab al-Mandab trên Biển Đỏ tiếp giáp với Yemen có ý nghĩa chiến lược quan trọng bởi chiếm khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, tức khoảng 10-15% thương mại hàng hóa toàn cầu. Vùng biển mà Houthi tiến hành các cuộc tấn công là nơi lưu thông khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng đường biển của thế giới. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trên tuyến đường này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền với giá dầu và các mặt hàng xuất khẩu.

Các cuộc tấn công của Houthi thời gian qua đã buộc nhiều hãng tàu thế giới phải định lại tuyến đường vận chuyển dài hơn quanh mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Theo CNBC, bất ổn ở Biển Đỏ đã khiến các hãng tàu phải chuyển hướng số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD sang đường vòng dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, đẩy giá cước vận tải biển lên cao - mức tối đa hiện là 10.000 USD/container 40 feet.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Đầu tư Jefferies (Mỹ) cho biết, giá cước vận tải đường biển giữa hai châu lục Á - Âu trung bình khoảng 1.500 USD/FEU (đơn vị tiêu chuẩn để đo sức chứa một container 40 feet) vào năm 2023, hiện đã tăng hơn gấp đôi lên mức 3.500 USD/FEU. Việc tăng chi phí giao hàng đang làm dấy lên lo ngại có thể gây ra một đợt lạm phát toàn cầu mới. Theo số liệu từ Viện Kinh tế Đức IfW Kiel, thương mại toàn cầu giảm 1,3% từ tháng 11 đến tháng 12-2023 do cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ dẫn đến khối lượng hàng hóa vận chuyển ở khu vực trọng điểm giảm mạnh.

Thúc đẩy ngừng bắn toàn diện Israel - Hamas

Thoạt đầu, khi lực lượng Houthi mới tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ, Mỹ dù ngay lập tức đã thành lập một liên quân với nhiều đồng minh - trong đó chủ chốt là với Anh để đối phó, song lại tỏ ra thận trọng vì không muốn xung đột ở Trung Đông leo thang. Các quan chức hàng đầu của Mỹ nhiều lần nhấn mạnh, Tổng thống Joe Biden không muốn chứng kiến cuộc xung đột ở Dải Gaza leo thang thành xung đột lớn hơn ở Trung Đông. Thông điệp rõ ràng này được đích thân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken truyền tải trong tuần qua khi thực hiện các chuyến công du con thoi khu vực kể từ khi giao tranh Israel - Hamas nổ ra từ đầu tháng 10-2023. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ từng tuyên bố thẳng: “Chúng tôi muốn tránh leo thang ở Biển Đỏ”.

Thế nhưng, cuộc tấn công được mô tả “lớn chưa từng thấy” của Houthi trên Biển Đỏ ngày 11-1 vừa qua đã buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phải “ra tay” dù điều này không có lợi cho ông chủ Nhà trắng trong năm tái tranh cử 2024 được dự báo rất cam go này. Chỉ một ngày sau, liên quân Mỹ - Anh đã tiến hành không kích quy mô lớn vào nhiều địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen.

Có thế nói, đây là đòn đáp trả khó khăn của Mỹ bởi nếu không trả đũa mạnh mẽ để triệt tiêu khả năng tấn công của Houthi cũng như răn đe lực lượng này, tuyến vận tải biển của Biển Đỏ có nguy cơ bị tê liệt. Song tấn công trả đũa lại làm thổi bùng lên điều mà giới phân tích cho là “mặt trận thứ ba” của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tại Trung Đông. Ngoài mặt trận khốc liệt nhất giữa Israel và Hamas, xung đột giữa lực lượng Hezbollah ở Lebanon được Iran hậu thuẫn và Israel đang có nguy cơ ngày càng leo thang trở thành “mặt trận thứ hai” ở Trung Đông.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố, đòn tấn công nhằm gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Houthi sau nhiều lần phát cảnh báo qua nhiều kênh ngoại giao. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, hành động quân sự này đi ngược chính thông điệp của Mỹ là giảm leo thang, đồng thời không thể tháo gỡ căng thẳng giữa Israel và Hamas, nguyên nhân sâu xa khiến khủng hoảng trên Biển Đỏ và khu vực Trung Đông gia tăng.

Việc Mỹ và Anh dùng sức mạnh quân sự với lực lượng Houthi đã làm gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột ở Trung Đông. Xung đột lan rộng và leo thang ở khu vực địa chính trị quan trọng và nhạy cảm như Trung Đông sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường với không chỉ khu vực mà cả thế giới, nhất là khi cuộc xung đột tại Ukraine chưa thấy một ánh sáng le lói nào từ cuối đường hầm.

Căng thẳng trên Biển Đỏ có thể nói là phản ứng dây chuyền từ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Do đó, muốn hạ nhiệt trên Biển Đỏ phải gắn liền với cuộc xung đột Isarel - Hamas. Vì thế, cách thức nhanh nhất để ổn định, khơi thông trở lại tuyến vận tải biển trên Biển Đỏ là cần thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện giữa Israel và lực lượng Hamas càng sớm càng tốt. Đồng thời, để đẩy nhanh các hoạt động cứu trợ nhân đạo với người Palestine.

Phát biểu ngày 16-1 bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed nhấn mạnh, các biện pháp quân sự sẽ không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công do Houthi tiến hành nhằm vào các tuyến vận tải thương mại trên Biển Đỏ, song chấm dứt xung đột tại Dải Gaza sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề này. Theo lãnh đạo Qatar, việc các lực lượng Mỹ - Anh không kích đáp trả các mục tiêu của Houthi sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa, cũng như làm tăng nguy cơ xung đột tiếp tục lan rộng. Giải quyết gốc rễ của vấn đề - chấm dứt xung đột tại Dải Gaza là giải pháp cốt lõi ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi trên Biển Đỏ.