Xứng đáng danh hiệu anh hùng

(ANTĐ) - Những thành tựu trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Ban An ninh khu IX được kết tinh bởi truyền thống tận trung với Đảng, tận hiếu với dân về đức hy sinh cao cả, trí thông minh, sáng tạo và quyết thắng của lớp lớp các thế hệ An ninh khu IX, là bài học quý báu cho các thế hệ cán bộ an ninh sau này.

Xứng đáng danh hiệu anh hùng

(ANTĐ) - Những thành tựu trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Ban An ninh khu IX được kết tinh bởi truyền thống tận trung với Đảng, tận hiếu với dân về đức hy sinh cao cả, trí thông minh, sáng tạo và quyết thắng của lớp lớp các thế hệ An ninh khu IX, là bài học quý báu cho các thế hệ cán bộ an ninh sau này.

Các đồng chí cán bộ An ninh khu IX trong cuộc gặp mặt truyền thống tháng 8 - 1997 tại Cần Thơ

Các đồng chí cán bộ An ninh khu IX trong cuộc gặp mặt truyền thống tháng 8 - 1997 tại Cần Thơ

Đầu năm 1961, trước yêu cầu của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, thực hiên chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu IX quyết định thành lập Ban An ninh khu IX, tiền thân từ Ban địch tình miền Tây Nam bộ với nhiệm vụ đấu tranh chống các loại phản cách mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ nhân dân, cùng quân và dân hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với tư duy sáng tạo, lực lượng An ninh khu IX đã tham mưu cho Khu ủy trong chỉ đạo đấu tranh cũng như triển khai các mặt công tác vận động quần chúng đứng lên giành quyền làm chủ.

 Vận dụng linh hoạt chỉ đạo của Trung ương, An ninh khu IX đã đề ra và thực hiện thắng lợi phương châm: “Tích cực tiêu diệt địch để chủ động tự bảo vệ mình”. Luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng: “Lấy dân làm gốc” và khẩu hiệu: “Không có căn cứ cách mạng nào vững chắc bằng căn cứ lòng dân”; Ban An ninh khu IX đã tích cực sử dụng đồng thời mọi biện pháp cả đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, bằng mọi cách phá cho được chính quyền cơ sở của địch. Những kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân và lực lượng an ninh từ thực tiễn chiến trường khu IX lúc đó đã được phổ biến, nhân rộng trên toàn chiến trường miền Nam.

Là mục tiêu tìm diệt của địch, Khu ủy và các cơ quan chỉ đạo kháng chiến liên tục phải di dời, Ban An ninh khu IX đã phối hợp chặt chẽ với An ninh tỉnh Cà mau, Kiên Giang, An Giang cùng các đơn vị chức năng tích cực điều tra tình hình, chủ động chuẩn bị địa bàn an toàn, làm tốt công tác cảnh vệ, bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu ủy, bảo vệ an toàn nội bộ các cơ quan đầu não của kháng chiến; đồng thời làm rõ nhiều đầu mối gián điệp của địch.

Quán triệt chỉ đạo của An ninh Trung ương Cục, Ban An ninh khu IX đã xây dựng thành công phong trào “Bảo mật phòng gian”, đẩy mạnh trấn áp phản cách mạng ở phía sau, đảm bảo công tác an ninh tại địa bàn cơ sở, củng cố chính quyền xã, ấp ở vùng giải phóng; đồng thời, xây dựng chính quyền ở vùng lõm, vùng tranh chấp, sử dụng chính quyền địch ở vùng trắng, giữ đất, giữ dân, làm phá sản “Chiến tranh lãnh thổ” của địch.

 Chú trọng công tác trấn áp mạnh bọn phản cách mạng ở phía trước, ngay từ khi thành lập, Ban An ninh khu IX đã nhanh chóng triển khai lực lượng trinh sát chuyên ngành. Đến năm 1964, các Tiểu ban “Bảo vệ chính trị”, “Điệp báo”, “Bảo vệ nội bộ”, “Vũ trang” đã tiến hành công tác an ninh đô thị, diệt ác trừ gian. Công tác xây dựng cơ sở trong lòng địch, xây dựng mạng lưới hoạt động công khai và bán công khai phát triển mạnh, giúp cho nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó phải kể đến chiến công của Tiểu ban “Bảo vệ chính trị” qua việc bắt, khai thác một toán gián điệp, qua đó nắm được âm mưu của Mỹ về kế hoạch giải cứu phi công Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây. Thông tin này đã nhanh chóng được báo cáo kịp thời đến đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, từ đó giúp lực lượng vũ trang miền Bắc chủ động đối phó, đập tan kế hoạch “Tập kích Sơn Tây” giải cứu giặc lái của địch.

Vừa đứng chân trên địa bàn vũ trang đánh địch, nhổ đồn bốt, phá ấp chiến lược, chống càn bảo vệ phong trào cách mạng và mở rộng vùng giải phóng, Ban An ninh khu IX vừa phối hợp chặt chẽ với lực lượng vận tải quân sự tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, tìm và mở bến bãi, lựa chọn cán bộ và thuyền viên, tổ chức bảo vệ, bốc dỡ hàng hóa, đảm bảo tuyệt đối an toàn cũng như chuyển đến các chiến trường phục vụ đắc lực cho các lực lượng vũ trang đánh địch, nhất là đợt tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giành thắng lợi...

Sau ngày miền Nam giải phóng, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30 (tổ chức vào tháng 1-1976), Bộ Công an quyết định giải thể Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam cùng hệ thống ngành dọc, trong đó có Ban An ninh khu IX. CBCS An ninh khu IX đã được phân công về các đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND. Từ đó đến nay, các thế hệ cán bộ đã từng công tác, chiến đấu tại An ninh khu IX tiếp tục nêu cao truyền thống vốn có, được tin cậy giao nhiều trọng trách quan trọng, trong đó có 42 đồng chí đảm đương cương vị lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an cũng như các Tổng cục, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh.

Ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, chiến công và sự hy sinh quả cảm của các thế hệ An ninh khu IX trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen các loại cho tập thể và các cá nhân.

Đặc biệt, ngày 6-10-2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban An ninh khu IX và 2 đồng chí nguyên là lãnh đạo cốt cán của Ban: Thiếu tướng Lê Tiền và Đại tá Ngô Quang Hớn.

Minh Châu