Xúc động tình yêu con của người mẹ điên

ANTĐ - Dù bị tâm thần, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng chứng kiến tình yêu mà người mẹ điên dành cho con gái mình, không ít người phải rơi nước mắt.

Xúc động tình yêu con của người mẹ điên  ảnh 1

Người mẹ điên

Chị Đinh Thị Chưng (sinh năm 1976) sống trong ngôi làng nhỏ thuộc thôn 3 (xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Đứa con gái của chị là “cái Tí”. Chị gọi con như thế, mọi người cũng gọi như thế ngay từ lúc đứa trẻ sinh ra. Chị bị tâm thần bẩm sinh từ nhỏ, có giấy chứng nhận của cơ quan y tế. Thế nhưng chưa bao giờ chị nhận lầm con mình, chưa bao giờ chị gọi sai tên con mình. Điều đó càng khiến người ta ngạc nhiên.

Nhà có 5 anh em, chẳng hiểu sao chị Chưng lại mang căn bệnh ấy từ lúc mới lọt lòng. Gặp khách lạ hỏi chuyện về mình, chị chỉ biết cười, gãi đầu gãi tai rồi ngọng nghịu nhưng rất “tỉnh”: “Đi vào đây, vào đây chơi!”. Rồi chị vồn vã mời khách ngồi, mời nước bằng cái ly duy nhất trong nhà. Nhìn thế, chẳng ai bảo chị bị tâm thần.

Cha chị là ông Đinh Khắc Dư (sinh năm 1941) đang nằm liệt giường sau những trận ốm thập tử nhất sinh cứ mếu máo giải thích đỡ cho con gái, sợ khách không hiểu chuyện mà bỏ về. Ngày còn nhỏ, vì nhà ở gần đồi, nên Chưng được bố mẹ giao cho đi chăn bò ở trên núi. Rồi chuyện chẳng ai có thể ngờ xảy đến, vì sự ngờ nghệch Chưng mang trong mình một sinh linh bé nhỏ mà không hay biết. Lúc ấy tưởng con gái bị bệnh, ông Dư đưa Chưng đến bệnh viện khám rồi chết lặng vì cái thai trong bụng đã được mấy tháng. Hóa ra bấy lâu nay đi chăn bò, Chưng đã bị kẻ xấu lợi dụng và hãm hại. Gặng hỏi, Chưng chỉ ú ớ: “Nó đeo đồng hồ ở tay. Nó cũng đi chăn bò!”. 

Đến ngày đến tháng, đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha là ai, lấy họ của mẹ và giấy khai sinh để trống tên của người cha. Chua xót lắm, nhưng cả gia đình cũng vui, coi đó là món quà để bù đắp cho những mất mát và thiệt thòi mà Chưng phải gánh chịu. Có đứa bé, Chưng sẽ có người để chăm sóc, để bầu bạn và để thương yêu. Về sau này, lúc trái gió trở trời, lúc mẹ cha già yếu còn có người để nương nhờ. Ông Dư già lắm rồi, vẫn lên xã làm khai sinh cho cháu. Nhiều người hỏi, ông chỉ lặng đi. Buồn vì tiếng đời. Nhưng vui vì còn đó niềm hy vọng. Ông đặt tên cháu là Đinh Thị Nga (sinh năm 2004).

Còn mọi người vẫn thường gọi là “cái Tí”. Bởi lúc sinh ra, do thiếu chất dinh dưỡng từ mẹ nên Nga rất gầy yếu, nuôi mãi mới lớn sau nhiều trận ốm quặt quẹo. Chị Chưng sinh xong, chỉ biết nhìn con mà không biết cho con bú, cũng chẳng biết thay tã hay vệ sinh cho con. Ông bà ngoại tuổi thất thập lại thay con chăm cháu cho đến khi khôn lớn. Đứa bé ngày một lớn lên, xinh xắn và đáng yêu, may thay bé không bị ảnh hưởng gì từ mẹ của mình.

Thế là chị Chưng có được một người con, ông Dư có được một đứa cháu để bồng bế, làm bạn với mình. Bây giờ bé Nga đang học lớp 6 trường Trung học cơ sở Sông Khoai. Ấy cũng là một sự cố gắng không biết mệt mỏi của ông Dư cùng sự giúp đỡ của những người hàng xóm.

Xúc động tình yêu con của người mẹ điên  ảnh 2

Tình yêu đặc biệt 

Ngôi nhà của mẹ con chị Chưng trong một con ngõ nhỏ, ngoằn nghèo, nằm ngay sát vách núi. Nhà vừa đủ lọt người, chia thành hai ngăn, một ngăn tiếp khách, ngăn còn lại chỉ kê đúng được 2 chiếc giường nhỏ. Quần áo, đồ đạc vứt lung tung, lộn xộn trên giường. Bao nhiêu năm qua, chị Chưng cùng con gái sống với ông Dư cùng một người em trai hơn 30 tuổi, hiện chưa lập gia đình vì gia cảnh quá nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hưng, trưởng thôn 3 xã Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết: “Gia đình ông Dư là một trong những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ở trong thôn. Hiện cháu Nga và cô Chưng mới chỉ được hưởng trợ cấp với số tiền là 700.000 đồng cách đây khoảng hơn 1 năm”.

Không giống như những người mẹ bình thường khác, chị Chưng yêu và thương con mình theo những cách đặc biệt. Từ ngày sinh “cái Tí”, chị rất sợ mất con, chính bởi vậy mà nhiều người hàng xóm đến nhà chơi thường trêu đùa rằng đến khi nuôi lớn sẽ mang “cái Tí” đi. Chưng lúc ấy giận và buồn lắm, chạy vội ôm lấy con gái như sợ ai đó mang con của mình đi thật. Lúc sinh “cái Tí”, chẳng biết dân làng kháo nhau thế nào mà có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến tìm gặp ông Dư để xin cháu về làm con nuôi.

Có những cặp vợ chồng nghèo khó, nhưng cũng có những cặp vợ chồng đi xe ô tô đến xin nuôi “cái Tí” với số tiền rất cao. Gia cảnh nghèo khó, mẹ lại tâm thần, nhiều người khuyên ông nên cho bé Nga ở với gia đình người khác để được sống một cuộc sống sung túc hơn. Nhưng nhất định ông Dư không cho đứa cháu của mình. Ông bảo dù có nhiều tiền thế nào đi nữa, dù ông có phải đi ăn xin cũng không cho ai. Còn chị Chưng, cứ thấy người lạ đến và nói chuyện xin con đi là lại lo sợ, hoảng loạn và đuổi họ đi ra khỏi nhà. 

Một năm trước, mẹ của chị mất, một mình ông Dư phải chăm lo cho cả con và cháu. Khi bà mất đi, cũng biết là gia đình túng thiếu, Chưng tìm cách trốn đi khỏi nhà. Lúc ấy, trời tối nhá nhem, thấy không có ai để ý, người đàn bà điên tìm đường bỏ đi. Cả nhà không thấy đâu, nháo nhác đi tìm. Cả đêm, trời mưa như trút nước, sấm sét đánh ngang trời, ông Dư và mấy người hàng xóm chia nhau đi tìm. Hai ngày trời không thấy chị Chưng đâu.

Sau đó, có một người quen đi làm trên núi, phát hiện thấy chị ngồi co ro trong một bụi cây, người ướt nhèm, đầu tóc bù xù, quần áo rách tả tơi. Chị Chưng chỉ nói: “Bà mất, không có ai nuôi “cái Tí” nữa, tao phải lên núi chặt trầm thông về bán để lấy tiền nuôi nó!”. Chị Chưng nói xong, cả nhà im lặng, ai cũng rơi nước mắt. Vừa giận, vừa thương, lại chẳng thể trách được.

“Em tôi mặc dù mất nhận thức, không có khả năng chăm sóc con, nhưng nó thương con lắm. Mọi người có thể cảm nhận được, qua cách nó nhìn con, qua việc nó đuổi người ta đi vì sợ mất con, hay những lần trốn nhà đi chặt trầm thông để bán. Mặc dù chả làm nên trò trống gì, lại làm mọi người thêm lo, những lúc ấy vừa giận vừa thương. Chỉ khổ gia đình nghèo quá, ông còn bị bệnh nặng. Sau này ông chết đi, mẹ con nó không biết chăm sóc nhau như thế nào!”, chị gái của chị Chưng cám cảnh kể lại.