Xúc động những tấm ảnh Bác Hồ của người chép sử bằng ảnh Nguyễn Bá Khoản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào những ngày tháng Năm nhớ Bác, ngắm những tấm ảnh tư liệu lịch sử về Bác Hồ, càng thêm nhớ Bác! Nhờ công những người chép sử bằng ảnh như nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản, những sự kiện lịch sử có sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sống động đến với công chúng ngày nay từ kho tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.
Sáu đại biểu Hà Nội trúng cử Quốc hội khóa 1 ra mắt đồng bào Thủ đô tại khu Việt Nam học xá (Bạch Mai tháng 1-1946)

Sáu đại biểu Hà Nội trúng cử Quốc hội khóa 1 ra mắt đồng bào Thủ đô tại khu Việt Nam học xá (Bạch Mai tháng 1-1946)

Làm nên pho sử liệu bằng ảnh

Vốn người quê Thường Tín (Hà Đông), nay là huyện Thường Tín, Hà Nội, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản sinh năm 1917, nằm nôi cùng thời khắc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Sớm được giác ngộ cách mạng, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngay từ đầu thập kỷ những năm 1930 khi thành lập Đảng, cậu thanh niên Nguyễn Bá Khoản với tấm lòng yêu nước trăn trở muốn gắn kết đời mình trong dòng sử cách mạng dân tộc.

Suốt nửa thế kỷ, tâm hồn ông hiện hữu qua lăng kính của một nhiếp ảnh gia đồng thời là phóng viên của nhiều tờ báo như: Cứu Quốc, Bạn Dân, Tin Tức… Những khuôn hình của ông đã giữ lại cho dòng sử cách mạng, cho quê hương những hình ảnh quý về Bác Hồ, về đất nước con người thanh bình hiền hòa Việt Nam! Bên cạnh những pho sử liệu sống bằng hình ảnh là những mái dạ, những làng quê êm ả ghi lại bao khoảnh khắc những nghĩa cử thân ái, chan chứa tình người của con dân đất Việt.

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945

Người chiến sĩ với vũ khí là ống kính máy ảnh đã lăn lộn, xả thân vào giữa chiến trường mịt mù lửa đạn ghi nhanh những giây phút nóng bỏng ngay những ngày đầu khởi nghĩa. Những hoạt động bầu cử Quốc hội từ khóa 1, rồi gương mặt những người con quê hương mặc áo lính dũng cảm kiên cường xông pha trên trận địa, quyết dành chiến thắng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Là phóng viên chiến trường theo dấu chân Báo Cứu Quốc ngày ấy, Nguyễn Bá Khoản đã lưu lại nhiều hình ảnh quả cảm trong trách nhiệm của một phóng viên chiến trường.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị giải phóng quân tại Hà Nội (8-1945)

Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị giải phóng quân tại Hà Nội (8-1945)

Mong lưu danh con đường mang tên người nghệ sĩ

Với một gia tài không nhỏ của một đời người chép sử bằng ảnh, Nguyễn Bá Khoản đã xứng đáng được trao tặng rất nhiều huân huy chương… giải thưởng nhiếp ảnh quốc gia. Đặc biệt giải thưởng Hồ Chí Minh (ngay từ đợt đầu năm 1996) là một sự ghi nhận xứng đáng.

Ông đã theo chân Bác Hồ ở nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Những giải thưởng đặc biệt sẽ còn mãi trong lòng quê hương, đất nước, trong tâm khảm mỗi người đã dành tặng cho ông, người nghệ sĩ nhiếp ảnh của nhân dân. Không ai quên một người con quê hương Thường Tín, chàng thanh niên Nguyễn Bá Khoản trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Phú Xuyên - Thường Tín góp sức nhỏ bé cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tuổi xuân dâng hiến trọn, người nghệ sĩ ấy đích thực là một cán bộ tiền khởi nghĩa, hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

Hồ Chủ tịch (bên trái Người là đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp) duyệt đơn vị lính Pháp tại sân bay Gia Lâm (31-5-1946)

Hồ Chủ tịch (bên trái Người là đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp) duyệt đơn vị lính Pháp tại sân bay Gia Lâm (31-5-1946)

Tự hào tên tuổi của ông, những người con của quê hương Thường Tín hôm nay cùng các nhà trí thức của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mong muốn có một điểm nhấn, tên một con đường quê hương mang tên Nguyễn Bá Khoản. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ để xưng tụng, vinh danh một cá nhân, một tên tuổi cả một đời chép sử bằng ảnh, hiến dâng cho cách mạng, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay nhớ về ký ức hào hùng của cha ông.

Hồ Chủ tịch căn dặn viên sĩ quan chỉ huy lính Pháp tại sân bay Gia Lâm (31-5-1946)

Hồ Chủ tịch căn dặn viên sĩ quan chỉ huy lính Pháp tại sân bay Gia Lâm (31-5-1946)

Nhờ công người chép sử bằng ảnh - Nguyễn Bá Khoản, những sự kiện lịch sử có sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sống động đến với công chúng ngày nay từ kho tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia. Đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ và dịp cả nước náo nức chuẩn bị Ngày bầu cử 23-5 năm nay, ngắm lại những bức ảnh Bác Hồ do nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản chụp trong những sự kiện lịch sử, thấy trân quý và xúc động lắm thay!

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản