Xuất nhập khẩu kỳ vọng đạt 800 tỷ USD trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng gần nhất đều vượt 70 tỷ USD, riêng tháng 8, xuất khẩu gần 38 tỷ USD. Nếu duy trì đà tăng như hiện tại, xuất nhập khẩu cả năm nay sẽ xác lập kỷ lục mới, bỏ xa mốc 732 tỷ USD từng đạt được trong năm 2022.
Xuất nhập khẩu kỳ vọng đạt 800 tỷ USD trong năm nay ảnh 1

Xuất nhập khẩu kỳ vọng đạt 800 tỷ USD trong năm nay

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung tám tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD, kết quả cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7.

Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây liên tục đạt mức cao, tháng 6 đạt 33,7 tỷ USD, tháng 7 đạt 36,24 tỷ USD, tháng 8 đạt 37,59 tỷ USD, trung bình trong 8 tháng năm 2028, kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 33,1 tỷ USD/tháng, trong khi con số trung bình kim ngạch xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2023 chỉ đạt 31,7 tỷ USD/tháng.

Cơ quan thống kê cho biết, tính đến hết tháng 8-2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%.

Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu thì nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng qua đạt giá trị lớn nhất 233,3 tỷ USD, chiếm 88% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, cũng như sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, không thể không kể đến xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh thúc đẩy sản xuất tiếp tục hồi phục. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ 8 tháng năm 2024 đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất 93,9%, đạt 230,95 tỷ USD, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47%.

Trên cơ sở kết quả xuất, nhập khẩu và các yếu tố thuận lợi, khó khăn của thị trường toàn cầu, Tổng cục Thống kê đánh giá, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 800 tỷ USD năm 2024 là rất khả thi.

Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 800 tỷ USD, thì tốc độ tăng năm 2024 so với năm 2023 cần phải đạt tối thiểu 17,5% (năm 2023 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD), với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng là 290 tỷ USD, bình quân mỗi tháng là 72,5 tỷ USD.

Theo quan sát quy luật nhiều năm, hoạt động xuất, nhập khẩu thường diễn ra sôi động, tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu quý IV thường cao hơn các quý khác.

Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến và chính sách xuất, nhập khẩu của các thị trường; nắm bắt xu hướng phát triển xanh, bền vững trong các ngành công nghiệp, các quy định mới về thẩm định chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với các ngành hàng xuất khẩu để kịp thời thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp…

Mặc dù thị trường xuất khẩu đang phục hồi với nhiều đơn đặt hàng, song xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao, cùng các yêu cầu khắt khe và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu.

“Còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Lúc này đang là cao điểm với các nhà sản xuất trong nước để chốt các đơn hàng cuối năm, với những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng thì lo nguyên liệu, nhân công để điều phối sản xuất, giao hàng đúng hẹn”- một chuyên gia nói.

Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các thị trường có FTA.

WB cũng khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trên thị trường tài chính.