Xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc còn nhiều dư địa nhưng cần lưu ý các quy định kiểm dịch và an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; có 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam.

Ngành nông nghiệp vào cuộc sớm

Thông tin trên được đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết tại tại Hội nghị "Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) khi xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc", do Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức vừa qua.

Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong 2 năm qua, từ khi cơ quan hải quan Trung Quốc yêu cầu các nước xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc phải đăng ký theo Lệnh 248 (Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc) và Lệnh 249 (Quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu), với vai trò là cơ quan đầu mối, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT triển khai đồng bộ các hoạt động.

Trong đó, trọng tâm là phân tích tiềm năng thị trường nông sản thực phẩm của Trung Quốc; Quy định của thị trường về đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu nông sản nguồn gốc thực vật, thủy sản vào Trung Quốc; Cảnh báo vi phạm và bài học kinh nghiệm; Hướng dẫn về đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu tổ yến vào Trung Quốc...

Quá trình triển khai thực tế của Văn phòng cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc cũng như bài học kinh nghiệm. Cụ thể, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER (Thủ tục đăng ký xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc) thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin (bổ sung sản phẩm) của phía Việt Nam.

Một số doanh nghiệp chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc cần lưu ý các quy định khắt khe của thị trường lớn bậc nhất này

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc cần lưu ý các quy định khắt khe của thị trường lớn bậc nhất này

Các trường hợp thay đổi thông tin như về chủ sở hữu, thay đổi giấy phép kinh doanh phải đăng ký mới (mặc dù tên cơ sở không thay đổi). Các thay đổi khác, cơ sở không tự thực hiện được trên CIFER.

Theo Văn phòng SPS, khi có lô hàng bị cảnh báo, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) sẽ thông báo và thực hiện kiểm tra thực tế cơ sở (trực tuyến/trực tiếp). Cơ sở có lô hàng cảnh báo bị GACC đưa ra khỏi danh sách thì sẽ rất khó trở lại danh sách sau khi giải trình và được Cục thông báo GACC.

Xuất khẩu tôm thẻ, tôm hùm cần lưu ý gì?

Văn phòng SPS cũng chỉ ra bài học kinh nghiệm, đó là trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký, doanh nghiệp phải chủ động nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER. Các doanh nghiệp lưu ý khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại.

Trong đó lưu ý, sản phẩm thủy sản sống không phải là đối tượng yêu cầu phải đăng ký xuất khẩu trên Hệ thống CIFER; Sản phẩm đăng ký phải thuộc danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm được thẩm định, chứng nhận và nằm trong Danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu.

Trung Quốc hiện trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam

Trung Quốc hiện trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam

Tuy nhiên, các sản phẩm thủy sản sống muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng nhiều yêu cầu rất khắt khe. Đơn cử, với các cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận.

Các cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng phải có tên trong danh sách được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi này phải: Được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm/điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số; được cơ quan thú y địa phương triển khai giám sát các bệnh TSV, MBV, WSSV, IHHNV của 3 giai đoạn nuôi.

Đối với cơ sở bao gói thủy sản sống khác: Thuộc các loài thủy sản sống trong danh mục được Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc công nhận; Nằm trong danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và không nằm trong danh mục các loài thủy sản cấm xuất khẩu theo quy định quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ và Thông tư số 11/2021/TTBNNPTNT ngày 20/9/2021 của Bộ NNPTNT. Trường hợp thuộc các loài xuất khẩu có điều kiện thì phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật...

Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Thời gian qua, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây, cà phê xuất khẩu sang Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội về giá để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng.

Với việc Trung Quốc cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam..., thời gian tới việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ còn nhiều dư địa.

Đây là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác, cũng như khai thác hết tiềm năng của thị trường này.

Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc trong 9 tháng năm 2023 đạt 95,2 triệu USD, giảm 46,4% so với cùng kỳ 2022. Loài tôm hùm xuất khẩu chính của Việt Nam là: Tôm hùm xanh, tôm hùm bông. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, chiếm từ 98-99%; các thị trường khác như: Thái Lan, Singapore… chỉ chiếm từ 1-2%.

Hiện, Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc.