Xử phạt nghiêm minh hành vi bắt giữ giam người trái pháp luật

ANTD.VN - Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 quy định cụ thể các hành vi bắt giữ giam người trái pháp luật sẽ bị trừng phạt rất nặng.

Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Đối với nhiều người… thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Xâm phạm thân thể quyền tự do của công dân

Về khách thể của tội phạm, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do, dân chủ của công dân. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân, đã được quy định trong Hiến pháp 2013.

Do đó, vấn đề này cũng đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam bằng nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân cùng các quy định chặt chẽ về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp bắt, giữ hoặc giam người.

Ngoài ra, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cũng được quy định chặt chẽ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, bất kỳ người nào xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thông qua hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Về mặt khách quan của tội phạm, điều luật quy định 3 hành vi phạm tội: bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Đó là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục.

Các hành vi này đều là những hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, có mục đích tước đoạt sự tự do hoạt động, dịch chuyển thân thể của người khác nhưng chỉ khác nhau ở hình thức thể hiện.

Để xác định rõ hành vi, đảm bảo xử lý “đúng người, đúng tội”, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử cần phải đối chiếu với các quy định của Bộ luật, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, thủ đoạn, cách thức tiến hành bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật không ảnh hưởng đến việc định tội danh. Người phạm tội có thể dùng sức mạnh về vật chất như đấm, đá, đạp... để trói, nhốt nạn nhân vào thùng xe, cabin, phòng kín hoặc đe dọa bắn, tẩm xăng đốt, đánh, đạp phá, hủy hoại tài sản... nếu không để cho bắt, giam, giữ.

Những hành vi này gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật, mà còn đối với cả người thân, gia đình họ.

Phạm tội đối với người thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng

Về mặt chủ quan của tội phạm, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích có thể do tư thù cá nhân, do bị xúi giục, do được thuê…, song đây không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Tội phạm được thực hiện bởi bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự do Bộ luật Hình sự quy định.

Điều luật quy định ba khoản tương ứng với ba khung hình phạt. Theo đó, khoản 1 là hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng -2 năm. Khoản 2: Phạt tù từ 1-5 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, đối với người thi hành công vụ, với nhiều người…

Phân tích về các tình tiết trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, phạm tội có tổ chức được hiểu là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và mang tính bền vững giữa những người cùng thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Còn phạm tội đối với người thi hành công vụ là trường hợp đối tượng thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người đang thi hành nhiệm vụ Nhà nước giao, nhằm cản trở hoặc đe dọa không cho họ thực hiện nhiệm vụ. Phạm tội đối với nhiều người là trường hợp một người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật từ 2 người trở lên.

Khoản 3 quy định hình phạt tù từ 3-10 năm khi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là việc gây thiệt hại về tinh thần, vật chất cho người bị hại hoặc gia đình họ, ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, như người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật tự sát, hoặc do bị giam, giữ lâu ngày mà mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình ly tán...

“Hiến pháp 2013 và các Bộ luật, Luật  liên quan đã quy định rõ, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do, dân chủ rất quan trọng của công dân. Do đó, những đối tượng thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe” – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.