Xử lý vi phạm của cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không chỉ là "vỗ vai, nhắc khéo"

ANTD.VN - Đồng tình với các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia sử dụng không gian mạng xã hội được nêu trong dự thảo Luật An ninh mạng, đại biểu Lê Tấn Tới cho rằng, khi có vi phạm thì không chỉ là những cái vỗ vai, lườm nhau hay nhắc khéo... mà phải được điều chỉnh bằng luật.

Sáng nay 23-11, Quốc hội dành trọn phiên làm việc để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An ninh mạng.

Đề cập việc dự thảo luật quy định các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ internet, viễn thông như facebook, google cần đặt máy chủ tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đặt vấn đề rằng, nếu như họ đặt máy chủ nhưng tắt máy không sử dụng hoặc sử dụng công nghệ đám mây thì quản lý thế nào?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu băn khoăn về quy định các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ internet, viễn thông cần đặt máy chủ tại Việt Nam

"Nếu quản lý theo cách cứng nhắc, hiệu quả đem lại sẽ không bao nhiêu mà hình ảnh hội nhập, sáng tạo của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ ảnh hưởng", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu e ngại, đồng thời cho rằng nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin... cùng với các biện pháp khác như tăng mức phạt.

Ông Nguyễn Lân Hiếu lấy ví dụ như ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50.000 EURO với những tin tức giả, hay đề xuất những yêu cầu công khai về thông tin với những người mua quảng cáo trên lĩnh vực liên quan đến chính trị trên mạng xã hội.

Đề cập tới trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng, đại biểu Lê Tấn Tới (đoàn Bạc Liêu) đồng tình với quy định về không tiết lộ, thay đổi cung cấp thông tin cho bên thứ ba; về cập nhật, xóa bỏ, đính chính thông tin và xóa bỏ thông tin chống Nhà nước Việt Nam… 

"Đây là những quy định rất cụ thể, phù hợp với thực tế hiện nay", đại biểu Lê Tấn Tới đánh giá và nêu quan điểm: "Đây không phải là những cái vỗ vai, lườm nhau, nhắc khéo hay đe dọa nhau mà phải được điều chỉnh bằng luật".

Đại biểu Lê Tấn Tới cho rằng, xử lý vi phạm trên mạng xã hội phải được điều chỉnh bằng luật

Băn khoăn việc dự thảo luật chưa thấy quy định chế tài khi đối tác cố tình vi phạm, không khắc phục, đại biểu Lê Tấn Tới đề nghị ban soạn thảo bổ sung chế tài hoặc giao cho Chính phủ chế tài xử lý trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm.

Dẫn chứng việc vừa qua có thông tin nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư phát triển bị bắt giữ để điều tra (chỉ là tin đồn vô căn cứ-PV) gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán, đại biểu Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy định những nội dung thông tin không gian mạng có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trân trọng cảm ơn và ghi nhận ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu, đồng thời cho biết Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.