Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Kiểm tra xong thì hàng đã bán hết

ANTĐ - Gần đây, vấn đề sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ lại “nóng”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần chế tài nghiêm khắc hơn nữa với vi phạm trong lĩnh vực ATTP. 

Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Kiểm tra xong thì hàng đã bán hết ảnh 1Sử dụng hóa chất, chất cấm trong thực phẩm cần được xem là tội ác

Ngày càng khó phát hiện

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp (tháng 11-2015 đến hết tháng 2-2016), lực lượng chức năng thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 13 công ty vi phạm. Đặc biệt, đã phát hiện một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm với số lượng lớn tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Điện Biên…

Bên cạnh đó, đã có 46/63 tỉnh, thành phố kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm, 12/649 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Salbutamol, 69/1.026 mẫu nước tiểu dương tính. “Tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dần trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn. Trong khi đó, các chế tài xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe nên nhiều khả năng một số cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm”, ông Phùng Hữu Hào nhìn nhận.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho hay, trong đợt cao điểm vừa qua, TP.HCM đã lấy 1.368 mẫu thịt, nước tiểu để kiểm tra, kết quả cho thấy 144/1.368 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 10%. Các mẫu dương tính với chất cấm chủ yếu là lợn có nguồn gốc từ Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Đặc biệt, kiểm tra 148 mẫu thủy sản thì phát hiện đến 41 mẫu vi phạm về kháng sinh. “Các kết quả vi phạm chúng tôi đều thông báo về địa phương để phối hợp kiểm tra tận gốc, xử lý. Nhưng hầu hết các địa phương đều không có phản hồi”, ông Nguyễn Phước Trung bày tỏ. Trong khi đó, luật pháp hiện chưa quy định việc tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ xét nghiệm nên khi có kết quả thì các lô hàng vi phạm chất lượng đã bán hết ra thị trường. Lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính đối tượng vi phạm. 

Kiến nghị tăng chế tài

Ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng kháng sinh, tồn dư hóa chất trong thủy sản và chăn nuôi đang tăng đột biến. Ông Phùng Hữu Hào cho rằng, thực trạng này đã ở mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh trong xuất khẩu. Tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trong lĩnh vực ATTP như hiện nay là do chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn xem nhẹ công tác đảm bảo ATTP. Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt kiến nghị, cần phải quy được trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác phối hợp. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong lần sửa đổi các quy định pháp luật về ATTP tới đây, sẽ nâng cao và bổ sung nhiều chế tài xử lý vi phạm về ATTP, trong đó sẽ xử lý hình sự đối với các hành vi nghiêm trọng như sử dụng chất cấm gây ung thư trong chăn nuôi hay hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm… Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bộ Y tế để ban hành định mức tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

6 tấn Salbutamol trôi nổi trên thị trường

Tình trạng lạm dụng kháng sinh, tồn dư hóa chất trong chăn nuôi đang tăng đột biến

Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường thông tin, trong 2 năm 2014 và 2015, qua kiểm tra cho thấy, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu Salbutamol cho 20 doanh nghiệp. Trong đó, đã có 16 doanh nghiệp nhập khẩu về với khối lượng 9.100kg.

Kiểm tra kho hàng của các công ty nhập khẩu cho thấy, chỉ còn khoảng 3 tấn, như vậy 6 tấn đã bán ra thị trường. Trên thực tế, việc sử dụng Salbutamol đúng mục đích chỉ được hơn 100kg.