Xử lý thế nào khi bị chó dại cắn?

ANTD.VN - Với tỷ lệ gần như 100% tử vong sau khi phát bệnh, bệnh dại (thường do chó cắn) được coi là một trong những hiểm họa vô cùng đáng sợ mà con người có thể gặp phải. Tuy nhiên trên thực tế, còn nhiều người chưa có hiểu biết đúng đắn về căn bệnh này cũng như những cách để xử lý khi bị chó dại cắn.

Theo Dân trí đưa tin, trong lúc chơi đùa, một cháu bé 5 tuổi không may bị chó cắn. Do gia đình không hay biết nên không đưa cháu đi tiêm phòng. Gần 1 tháng sau, cháu bé phát bệnh nghi là bệnh dại và được gia đình đưa đến bệnh viện chữa trị, nhưng cháu đã tử vong.

Nạn nhân là cháu Bùi Hoàng Phi L. (5 tuổi, trú thôn Vinh Nam, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Theo thông tin từ gia đình, gần 1 tháng trước, cháu Phi L. theo người thân đến chợ Vinh Huy (xã Bình Trị) chơi. Trong lúc chơi đùa, cháu Phi L. không may bị chó cắn.

Do gia đình không hay biết nên không đưa cháu đi tiêm phòng. Sau đó, cháu Phi L. phát bệnh với các biểu hiện co giật, hạ huyết áp... nghi do bệnh dại. Mặc dù gia đình đã đưa cháu Phi L. ra các bệnh viện ở Đà Nẵng để chạy chữa nhưng sức khỏe của cháu càng lúc càng xấu. Đến tối 6-12, thì cháu Phi L. đã tử vong.

Cháu Phi L. khi điều trị tại bệnh viện

Gia đình cho rằng cháu Phi L. tử vong là do bệnh dại. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí chiều 7-12, Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam - cho biết, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kết quả xét nghiệm cháu Phi L. âm tính với bệnh dại.

Tuy hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân cháu Phi L. tử vong, nhưng trên thực tế, đã có không ít những trường hợp mắc bệnh dại do bị chó cắn mà không được xử lý kịp thời, gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Bệnh dại là gì?

Một thông tin trên Báo Tuổi trẻ cho biết, theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế - Cục Y tế dự phòng năm 2014, bệnh dại là bệnh nhiễm virút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi nước bọt của động vật bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách rồi vào cơ thể. Từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.

Nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy vào lượng virút trong nước bọt con vật nhiều hay ít, mức độ vết thương và vị trí vết cắn. Ảnh minh họa

BS Nguyễn Thanh Hải (Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP.HCM) cho biết nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy vào lượng virút trong nước bọt con vật nhiều hay ít, mức độ vết thương và vị trí vết cắn (nơi có nhiều dây thần kinh hay không, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virút xâm nhập). 

Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. 

Chẳng hạn như nếu bị chó dại cắn vào chân thì thời gian phát bệnh có thể là một tháng đến vài tháng, còn nếu bị cắn ở tay thì thời gian phát bệnh chỉ sau một tuần.

Triệu chứng của bệnh dại

Để nhận biết các triệu chứng của bệnh dại, tránh hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, các bác sĩ nêu ra rõ từng triệu chứng trong từng giai đoạn:

Thời gian đầu của người bị chó dại cắn sẽ cảm thấy đau nhức nơi vết cắn, vết cắn bị sưng tấy. Sau khi bị cắn, những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết. 

Cùng lúc này còn có các triệu chứng kèm theo như sốt, đau đầu, lo lắng, trằn trọc, bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ.

Xử lý thế nào khi bị chó cắn

Khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút

Theo VnExpress, Bác sĩ Hoàng Văn Tân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương. Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Khi nạn nhân bị mất máu quá nhiều, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.

Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình. Ảnh minh họa

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.

"Không có bất kỳ chống chỉ định nào về điều trị phòng bệnh dại. Phụ nữ có thai vẫn phải tiêm văcxin hoặc huyết thanh kháng dại", bác sĩ Tân cho biết.

Đến nay, cả y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đều khẳng định không chữa được bệnh dại khi đã lên cơn. Tử vong do bệnh dại hầu như không tránh khỏi. Biện pháp duy nhất để cứu giúp người bệnh là điều trị bằng văcxin và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị động vật mắc bệnh dại cắn.

“Không được chữa bệnh dại bằng thuốc nam, thuốc đông y, kể cả thuốc Tây để tránh những chết oan uổng do thiếu hiểu biết”, bác sĩ cho biết.

Bác sĩ khuyên, đối với những gia đình đang nuôi chó mèo, cần thực hiện tốt 3 việc sau đây:

- Tiêm văcxin phòng bệnh dại cho chó mèo đang nuôi.

- Chó mèo nuôi phải đăng ký, chó nuôi phải xích, ra ngoài phải có rọ mõm để không cắn người.

- Người bị chó mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đi khám, tiêm văcxin phòng dại càng sớm càng tốt.