Xử lý nghiêm đối tượng thông tin thất thiệt ‘Bắt cóc trẻ em’ ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự, An ninh mạng, phối hợp với các địa bàn xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng thông tin thất thiệt “Bắt cóc trẻ em”.

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội đăng tải thông tin: “Thông báo khẩn: Hiện tại trên địa bàn huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa cụ thể các xã lân cận: Phù Lưu, Tế Tiêu, Xuy Xá đã xuất hiện những trường hợp bắt cóc trẻ em, học sinh… với nhiều thủ đoạn tinh vi, vì vậy các bậc phụ huynh hết sức chú ý và đề cao cảnh giác đặc biệt khu vực trường mầm non…”.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa kiểm tra, xác minh thông tin.

Đến thời điểm này, CATP và chính quyền địa phương chưa nhận được nội dung trình báo, tố giác của cá nhân, tổ chức nào về vụ việc như trên.

Các đơn vị nghiệp vụ của CATP tiếp tục tập trung xác minh, làm rõ thông tin đăng tải trên trang mạng xã hội. CATP đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm có thể bị phạt đến 07 năm tù

Nhìn nhận về hiện tượng tin đồn thất thiệt, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn nhấn mạnh: Người có hành vi cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do hành vi cố ý tố giác, báo tin giả, cụ thể:

1. Cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm có thể bị phạt đến 07 năm tù

Người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống, được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Cố ý tố giác, báo tin giả có thể bị phạt đến 6 triệu đồng

Theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Như vậy, đối với hành vi cố ý tố giác, báo tin giả thì cá nhân có thể bị phạt đến 3 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 6 triệu đồng.

Văn bản pháp lý quan trọng khác là Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/4/2020; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực; Nghị định gồm 124 điều 09 chương.

Nội dung đáng chú ý trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Với những quy định, chế tài có thể nói “đủ sức răn đe” này, động thái cần thiết là các cơ quan chức năng quyết liệt đấu tranh, làm rõ ý đồ, động cơ của các cá nhân thông tin thất thiệt, vừa tránh ảnh hưởng, hoang mang dư luận, và cũng để ngăn chặn hiện tượng tương tự tái diễn.