Xóm chạy thận quay cuồng trong mùa bão giá

Người khỏe đi làm ra tiền còn phải oằn mình chống chọi với tăng giá, những con người lầm lũi mang bệnh tật nơi xóm chạy thận càng quay cuồng hơn.

Xóm chạy thận quay cuồng trong mùa bão giá

Người khỏe đi làm ra tiền còn phải oằn mình chống chọi với tăng giá, những con người lầm lũi mang bệnh tật nơi xóm chạy thận càng quay cuồng hơn.

Đói cơm chứ không thể đói thuốc

Một xóm trọ nằm sâu trong ngõ Cột Cờ, phường Hai Bà Trưng, Hà Nội được người ta đặt cho một cái tên xóm chạy thận. Hầu hết “dân cư” của xóm này đều là bệnh nhân bị suy thận, đang lọc thận trong bệnh viện Bạch Mai.

Một ngày cuối tuần mưa rét, bên ngoài đường phố ồn ào tiếng xe cộ thì càng vào sâu con ngõ nhỏ của xóm càng trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo. Nói là xóm nhưng cũng chỉ có vài dãy nhà cách nhau vài chục mét. Đặc điểm chung của xóm là tiêu điều, rêu mốc, phòng trọ cửa đóng, cửa mở.

Ông Quyết thêm lo lắng khi giá cả leo thang

Ông Quyết thêm lo lắng khi giá cả leo thang

Căn phòng của ông Quyết quê ở Lý Nhân, Hà Nam nằm ở cuối ngõ. Diện tích của nó khoảng 8 m2 với hai cái giường nhỏ và lối đi ra đi vào. Giá của mỗi căn phòng như vậy cũng lên đến ngót một triệu đồng/tháng. Vừa nấu cơm, vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Quyết kể: “Tôi đã vào xóm này được hơn 7 năm rồi, chắc từ giờ tới khi chết sẽ chỉ gắn bó với nơi này thôi”. Giọng ông như trùng xuống khi nhắc tới hai chữ gia đình.

Dụng cụ nhà bếp với vài đồ nấu ăn đạm bạc

Dụng cụ nhà bếp với vài đồ nấu ăn đạm bạc

Người trong xóm này ai cũng tự chăm sóc mình và điều trị bệnh, ít người có người thân chăm sóc. Đều là những người cùng cảnh ngộ nên ai cũng hiểu và thương nhau lắm. Gia đình ông chỉ ở quê làm nông nghiệp, từ ngày mang cái án trọng bệnh, mọi việc trong gia đình đều đổ lên vai người vợ tần tảo ở quê. Ông Quyết nhẩm mỗi tháng tiền thuốc, tiền trọ, tiền ăn cũng từ 2,5 đến 3 triệu đồng.

Số tiền này vợ ông ở nhà gửi lên, thêm một phần lương bệnh binh. Những người không có bảo hiểm người nghèo, bảo hiểm thương, bệnh binh… chi phí cho một tháng chữa bệnh không ai dám tính vì quá lớn.

Ông Tấn (Bắc Giang) là người bạn tâm giao của ông Quyết chia sẻ, thời buổi bây giờ cái gì cũng đắt, thức ăn đắt còn có thể dè xẻn được chứ thuốc thì không thể bỏ được một bữa. “Người ta có thể đói cơm, khát nước nhưng không thể đói thuốc được”. Có lẽ vì câu châm ngôn này mà bữa cơm của các ông càng trở nên đạm bạc để dành tiền mua thuốc.

Căng mình làm thêm

Bản thân trong người mang trọng bệnh nhưng nhiều người vừa làm thêm, vừa đi chạy thận. Chị Tuất (Hòa Bình) nhập hộ khẩu trong xóm chạy thận này đã hơn 10 năm. Hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, mặc dù có bảo hiểm người nghèo nhưng mỗi tháng chị vẫn phải đóng thêm 400 nghìn đồng chi phí điều trị trong bệnh viện, chưa kể tiền thuốc.

Hai ngày chạy thận một lần nên những lúc rảnh rỗi chị chạy đi làm thêm kiếm tiền. Nói là kiếm tiền nhưng số tiền một ngày lao động của chị cũng chỉ được 30 – 40 nghìn đồng. “Sức mình có hạn nên làm được bao nhiêu thì làm, mỗi tháng cũng được hơn 10 công làm” – chị khoe.

Bữa cơm của gia đình chị Tuất dành cho 3 người chỉ có một rúm thịt, một quả su su. “Trông thế thôi mà cũng lên đến hơn chục nghìn rồi đấy. Những năm trước tiền nhà, tiền thuốc rẻ mỗi tháng chỉ hết khoảng hơn một triệu, bây giờ gần 3 triệu mà bẫn phải bóp bụng, tằn tiện” - chị vừa nói vừa chỉ tay vào túi thức ăn.

Xóm chạy thận càng trở nên tiêu điều hơn vì bão giá

Anh Thái (36 tuổi, Thanh Hóa) xin chạy thận ca đêm để ban ngày đi làm thêm. Anh mắc bệnh đang ở cái độ tuổi lao động nên kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Con cái nheo nhóc, vợ anh bị gai cột sống không làm được nhiều việc. Anh ra Hà Nội chạy thận nhưng cố đi làm thêm để chữa bệnh và gửi cho vợ vài trăm để cho con đi học. Anh sốt ruột: “Từ Tết ra đến giờ cái gì cũng đắt đỏ nên chưa gửi được cho các cháu ít tiền đóng học phí”.

Mỗi tháng anh đi làm bảo vệ lương được 2,5 triệu không mất tiền ăn nên anh cố gửi về nhà 500 nghìn đồng. Nhiều người trong xóm này còn đi bán bánh mì, bán nước dạo để kiếm thêm chi phí bù đắp cho mùa bão giá.

Đau lòng nhất là trường hợp của bà Hựu (Thanh Hóa), hoàn cảnh vốn khó khăn, mắc bệnh suy thận ở giai đoạn đầu chạy chữa mất rất nhiều tiền. Bà bươn mình chạy xin bảo hiểm người nghèo nhưng không có ai giải quyết. Người trong xóm thương cũng chỉ biết động viên, an ủi. Thời buổi bão giá, người ta thấy bà về thăm nhà và không bao giờ quay lại cái xóm trọ nghèo này nữa. Hơn ai hết, những người trong xóm này đều biết điều gì sẽ xảy ra với bà.

Theo Bee