Xin đừng bó tay vì “lâm tặc”!

(ANTĐ) - Gần đây trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ chặt, phá trộm sưa đỏ trái phép, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Cao điểm có những ngày 2 – 3 cây gỗ quý bị “làm thịt”. Tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên hoạt động giữa Thủ đô không chỉ là nỗi bức xúc của người dân, mà còn là sự trăn trở của các nhà quản lý. Bởi từ chuyện những cây sưa đỏ bị chặt trộm đã đặt ra vấn đề về bảo vệ cây xanh nói chung, cây gỗ quý nói riêng.

Xin đừng bó tay vì “lâm tặc”!

(ANTĐ) - Gần đây trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ chặt, phá trộm sưa đỏ trái phép, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Cao điểm có những ngày 2 – 3 cây gỗ quý bị “làm thịt”. Tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên hoạt động giữa Thủ đô không chỉ là nỗi bức xúc của người dân, mà còn là sự trăn trở của các nhà quản lý. Bởi từ chuyện những cây sưa đỏ bị chặt trộm đã đặt ra vấn đề về bảo vệ cây xanh nói chung, cây gỗ quý nói riêng.

Ai bảo vệ cây xanh?

Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng để có câu trả lời thỏa đáng là cả một vấn đề. Theo thông tư số 20 ra ngày 20-12-2005 về hướng dẫn, quản lý cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng ban hành, trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị giao cho 4 đơn vị: UBND tỉnh, thành phố; Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính các thành tỉnh, thành phố; chính quyền đô thị các cấp và tổ chức cá nhân.

Cây sưa đỏ bị chặt trên đường Xuân Thủy
Cây sưa đỏ bị chặt trên đường Xuân Thủy

Theo đó, UBND có nhiệm vụ ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, phân cấp quản lý và văn bản về quản lý cây xanh. Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính có nhiệm vụ thực hiện việc phân cấp quản lý; soạn thảo văn bản về quản lý cây xanh đô thị; lập danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế; kiểm tra, đánh giá việc quản lý cây xanh đô thị. Chính quyền đô thị các cấp có nhiệm vụ bảo vệ, phát triển cây xanh theo phân cấp và tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ trồng, chăm sóc, quản lý; lập danh sách, đánh số cây cần bảo tồn; kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề liên quan đến cây xanh...

Không chỉ quy định rõ về phân cấp quản lý, Thông tư còn định nghĩa chi tiết về “cây xanh”. Theo đó, cây xanh được chia làm 6 mục: cây xanh đô thị (gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế, cây xanh chuyên dụng), cây xanh đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo...), cây cổ thụ (trên 50 năm), cây được bảo tồn (thuộc danh mục quý hiếm), cây xanh thuộc danh mục cấm trồng và cây xanh thuộc danh mục hạn chế.

Nếu theo Thông tư số 20, có thể kết luận, cây xanh đô thị nằm trong nhóm cây cổ thụ cần được bảo tồn. Và việc gìn giữ, bảo tồn sẽ do UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Giao thông công chính Hà Nội hoặc Công ty TNHH nhà nước 1 thành viên công viên cây xanh thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không như vậy.

Chặt cây - phạt... 500.000 đồng

Theo Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên công viên cây xanh: Mỗi năm TP Hà Nội chi khoảng 15 tỷ đồng cho việc quản lý, duy trì vườn hoa, công viên, cây xanh; trồng cây đông xuân; cắt sửa cây bóng mát, hạ cây sâu mục phòng bão; duy trì sửa chữa vườn kiến trúc; trang trí ngày lễ, tết… nhưng năm nào cũng thiếu.

Duy trì còn khó khăn như vậy nói gì đến việc bảo tồn cây xanh. Ông Nguyễn Xuân Hưng - Trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật – Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Năm 2006, chúng tôi cũng làm đề án xin kinh phí cho công tác phòng trừ sâu bệnh, nhưng do... thiếu kinh phí, nên không được phê duyệt". Cuối cùng, năm 2007, Công ty cũng được đồng ý 50 triệu đồng để phòng trừ sâu bệnh cho một số cây cổ thụ cần bảo tồn.

Hơn thế, “về mặt chuyên môn nhiệm vụ, Sở Giao thông công chính được giao quản lý toàn bộ hệ thống cây xanh và tuyến đường có tên trên địa bàn thành phố. Riêng về cây xanh, Sở cũng được giao quản lý bồn hoa, bãi cỏ, cây hàng rào, cây bóng mát dưới 2 tuổi, vệ sinh đường dạo...”.

Như vậy là đã rõ, mặc dù Thông tư quy định, việc gìn giữ, bảo tồn cây cổ thụ nằm trong danh mục quý hiếm sẽ do UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Giao thông công chính Hà Nội hoặc Công ty TNHH nhà nước 1 thành viên công viên cây xanh thực hiện, nhưng trên thực tế 2 đơn vị này cũng chỉ thực hiện được một mảng rất nhỏ: duy trì cây bóng mát dưới 2 tuổi.

Nghĩa là dưới 2 tuổi, cây được... “bú mẹ”, trên 2 tuổi, cây bị “cai sữa”, đến khi trở thành cây cổ thụ, cây quý hiếm, rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cây xà cừ 30 năm tuổi bị chặt vì mục đích kinh doanh

Cây xà cừ 30 năm tuổi bị chặt vì mục đích kinh doanh

Ai có thể tin rằng, khối tài sản “lộ thiên” vô giá về cả vật chất lẫn tinh thần gồm 200.000 cây bóng mát thuộc 67 loài mọc rải rác trên 390 tuyến phố của Hà Nội cũng đang trong tình trạng “lộ thiên”.

Với câu hỏi “Nếu được giao nhiệm vụ bảo vệ cây bóng mát, đơn vị có đáp ứng được không?”, cả 2 đơn vị nói trên đều lắc đầu bởi lấy đâu ra nhân lực. Huy động toàn bộ nhân viên của hai bên chưa chắc đã đủ để canh gác gần 400 tuyến phố.  

Trong khi nhân lực thiếu, vật lực yếu thì quy chế xử phạt lại cũng chưa nghiêm. Theo NĐ 126/CP ngày 26 – 5 – 2004 về quy chế xử phạt đối với các hành vi vi phạm đối với cây xanh, mức xử phạt cao nhất đối với các cá nhân có hành vi vi phạm cây xanh công cộng như cố tình xâm hại, chặt phá chỉ là 500.000 đồng!

Riêng đối với gỗ sưa, theo phòng Giao thông đô thị - Sở GTCC Hà Nội thì: “Trước đây, sưa không phải là loại cây hiếm. Nó được trồng nhiều ở Hà Nội như phố Hàng Dầu, Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Bè... nhờ vào đặc tính dễ trồng, dễ thích nghi, ít rụng lá... Sưa có 2 loại: sưa trắng và sưa đỏ. Sưa trắng (còn gọi là huê, trắc thối), sưa đỏ (còn gọi là huỳnh đàn, sưa). 30 năm trước, cây được chọn trồng không phải vì giá trị kinh tế mà vì những ưu điểm nêu trên".

Năm 2004, khi NĐ 126/CP ra đời sưa chưa được liệt vào loại nhóm quý hiếm(A1). Mãi đến năm 2006, trước những tin đồn về tác dụng chữa bệnh, cũng như giá trị về mặt tinh thần, tâm linh... gỗ sưa mới trở nên có giá. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc chấp nhận mua loại gỗ này với giá 80 USD/kg (gần 1,3 triệu đồng) làm cho cơn sốt loại gỗ này tại Việt Nam cũng nóng lên từng hồi (giá từ 700.000 – 1.000.000 đồng/kg).

Có cầu ắt có cung, nắm bắt được thông tin, lâm tặc đã "nhanh chân" săn lùng loại gỗ này từ vài năm trước. Nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá tràn lan, ngày 30/3/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó có nêu rõ, sưa được xếp vào nhóm gỗ quý (A1) và bị cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra...

Trước chế tài xử phạt và tình trạng xâm hại cây xanh như vậy, nhiều sáng kiến cũng như giải pháp của những người yêu và tâm huyết với cây xanh đã được đưa ra nhưng cho đến thời điểm này tất cả vẫn ở dạng bản thảo.

Theo phòng phòng Giao thông đô thị - Sở Giao thông công chính: “Về mảng cây xanh bóng mát, có 2 phần rõ ràng: bảo tồn và bảo vệ. Cây bóng mát có ưu điểm là tuổi thọ dài (50 – 100 năm), nhưng đây cũng là nhược điểm, tuổi thọ dài dễ sinh ra mối mọt, sâu bệnh”.

Do đó, để kéo dài tuổi thọ, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi đi trên đường, cần có kế hoạch kiểm tra, duy tu cây định kỳ. Việc kiểm tra, duy tu bao gồm cắt sửa cành, “thăm” gốc cây xem có chỗ nào bị mối mọt, mục rỗng hay không để kịp thời phun thuốc.

Theo thống kê của Cty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, năm 2004  trên địa bàn Hà Nội xảy ra 37 vụ xâm hại, chặt trộm cây xanh, năm 2005 xảy ra 43 vụ, năm 2006 xảy ra 32 vụ, riêng 8 tháng đầu năm 2007 xảy ra 43 vụ (bằng cả năm 2005), trong đó có 14 cây gỗ sưa đỏ. Tổng cộng 4 năm đã có 145 cây bị xâm hại . Điều đáng nói ở đây, những cây bị chặt có thâm niên trên 20 tuổi và đường kính 20 – 30cm trở lên.

Song song với bảo tồn là bảo vệ, phải khẳng định ngay rằng, không phải người dân Hà Nội nào cũng vô ý thức và thích chặt cây, đặc biệt là cái cây trước cửa nhà mình. Chính vì thế, không có phương pháp nào hiệu quả  hơn cách giao cho chính người dân quản lý cái cây ấy, hoặc giao cho phường, tổ dân phố quản lý cây xanh trên địa bàn. Tuy nhiên, trước khi giao cũng cần tổ chức lấy ý kiến ở cơ sở về cách thức cũng như kinh phí hỗ trợ cho công tác này.

Ông Nguyễn Xuân Hưng đề nghị: “Có 2 vấn đề cần bổ sung vào quy chế xử phạt. Thứ nhất nên có danh mục cụ thể về cây quý hiếm cần được bảo vệ. Thứ hai nên nâng mức xử phạt đối với hành vi cố tình xâm hại, chặt phá cây xanh theo giá trị của cây”.

Ngoài ra, cũng nên bổ sung hành vi cố tình xâm hại, chặt phá cây xanh thành tội cố tình phá hoại tài sản, phá hoại môi trường vào luật hình sự và bị truy tố trước tòa như những tội khác. Bên cạnh đó, thành lập quỹ khen thưởng đối với người phát hiện, thông báo kịp thời về các hành vi xâm hại, chặt trộm cây xanh.

Có như vậy, mới hạn chế được hành vi chặt phá cây xanh đang gia tăng như hiện nay.

Mỹ Linh