Xin thu phí Pháp Vân- Cầu Giẽ từ ngày 1-10

ANTĐ -Công ty CP BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ kiến nghị Bộ GTVT cho phép thu phí cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ từ 1-10 tới đây. Mức thu đưa ra là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, bằng với mức thu trên các tuyến cao tốc hiện tại.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, đến nay, nhà đầu tư đã xây dựng và lắp đặt xong thiết bị thu phí, phần mềm quản lý vé thẻ, giám sát, hậu kiểm, hệ thống đảm bảo an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng tại các trạm thu phí.

Bên cạnh đó, Công ty CP  BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đã triển khai công tác đào tạo nhân viên thu phí và hoàn thành từ tháng 7/2015. Đến nay, toàn bộ nhân viên đã nắm vững quy trình thu phí, các dấu hiệu nhận biết xe, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp...

Đề cập đến công tác thử nghiệm hệ thống thu phí đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú nhìn nhận, nhà đầu tư đã tiến hành thu phí thử nghiệm (không thu tiền) tại các trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ bắt đầu từ ngày 18/9/2015.

Qua đó cho thấy, vận hành hệ thống thu phí đã được thực hiện đúng quy trình thu phí, đúng yêu cầu theo quy định; hệ thống thiết bị đã được kiểm nghiệm và vận hành tốt, an toàn, không gây ùn tắc hay làm ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông; thao tác thu phí của đội ngũ thu phí đã thuần thục đảm bảo việc thu phí chuẩn, chính xác.

Theo hợp đồng, tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ có thời gian thu phí hoàn vốn hơn 17 năm, với đơn giá 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi).

Cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đã hoàn thành giai đoạn 1 và xin thu phí từ 1-10 với mức 1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi

Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ áp dụng hình thứ thu phí kín, các phương tiện đi vào đường cao tốc phải lấy thẻ (hoặc vé) tại trạm thu phí để xác nhận vị trí bắt đầu sử dụng đường cao tốc. Căn cứ các thẻ (hoặc vé) này tại vị trí trạm thu phí khi ra khỏi đường cao tốc, chủ phương tiện sẽ phải nộp thẻ đầu vào và phí sử dụng đường cao tốc. Số tiền phải nộp tùy thuộc vào từng loại phương tiện, quãng đường thực tế xe chạy qua (km) và đơn giá tương ứng với từng loại phương tiện.

Trong thời gian đầu thu phí, khi chưa hoàn thiện nhà điều hành, Công ty CP BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ sử dụng vé giấy in sẵn để sử dụng vào việc thu phí. Các phương tiện khi vào đường cao tốc tại vị trí trạm thu phí sẽ dừng lại để lấy vé vào đường cao tốc. Khi ra khỏi đường cao tốc tại trạm thu phí, các phương tiện sẽ dừng lại để trả vé và phí đồng thời nhận biên lai thu tiền từ nhân viên thu phí.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, trên dọc tuyến đường có tổng chiều dài 29km sẽ bố trí hệ thống các trạm thu phí gồm một trạm trên đường cao tốc tại Km188+300; 2 trạm nằm trên đường nhánh tại các nút giao Thường Tín, Vạn Điểm; một trạm nằm trên đường nhánh đi Quốc lộ 1 cũ và trạm dùng chung với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tại Km212+200 trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.