Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Nguyên giám đốc Trương Quý Dương xin nhận trách nhiệm

ANTD.VN - Ngày 14-1, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương trong vụ tai biến y khoa khi chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hòa Bình.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 14-1

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, nguyên Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sỹ khoa Hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình), cùng bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.

Năm bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Trần Văn Sơn (SN 1990, nguyên cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị y tế); Trần Văn Thắng (SN 1965, nguyên là Trưởng Phòng Vật tư thiết bị y tế); Hoàng Đình Khiếu (SN 1962, Phó Giám đốc, nguyên Trưởng Khoa hồi sức tích cực); Trương Quý Dương (SN 1962, nguyên Giám đốc) đều công tác tại BVĐK tỉnh Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976, Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn).

Tại phiên xử lần này, một số người nhà nạn nhân, người làm chứng liên quan đến vụ án vắng mặt, các luật sư đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa vì cần thiết phải triệu tập thêm đại diện Bộ Y tế, cán bộ giám định của Bộ Công an. Nhất là sức khỏe bị cáo Hoàng Công Lương liên quan đến bệnh lý tâm thần nên cần phải có kết luận của cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX thông báo, về sự vắng mặt của một số người liên quan, người làm chứng đến vụ án đã có lời khai trong hồ sơ vụ án. Còn tình trạng sức khỏe bị cáo Lương, HĐXX xét thấy vẫn bảo đảm để tham gia phiên tòa, do đó, HĐXX vẫn quyết định xét xử và cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án này.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết, nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng như các bác sĩ tại Viện tâm thần - BV Bạch Mai, tình trạng sức khỏe của bị cáo đã cải thiện. Nếu phiên tòa xét xử kéo dài, tình hình sức khỏe không bảo đảm, hoặc không ảnh hưởng đến phiên tòa thì bị cáo có thể phải xin phép HĐXX nghỉ một vài buổi.

Ngày đầu diễn ra phiên xử, bị cáo Trương Quý Dương được gọi lên xét hỏi đầu tiên. Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc giám sát, thanh tra tại bệnh viện, bị cáo Dương khẳng định, bệnh viện có các quy chế rất ngặt nghèo, trong đó nêu rõ các phó giám đốc có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ. Bị cáo còn tổ chức các đoàn kiểm tra mang tính chính thống gồm lãnh đạo bệnh viện, phòng khoa, không giới hạn thời gian, có khi kéo dài nửa tháng hoặc cả tháng, sau đó tổng hợp, báo cáo lại…

Trả lời HĐXX, bị cáo Dương thay mặt bệnh viện xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự cố đáng tiếc trên

Bị cáo Dương cũng cho rằng, với một bệnh viện tuyến tỉnh có gần 14.000 kỹ thuật, đây là một trong những kỹ thuật (lọc thận) mà lãnh đạo bệnh viện cùng Bệnh viện Bạch Mai tâm huyết nhất, nhưng không ngờ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm, ngay sau khi xảy ra đã nói với công luận xin thay mặt bệnh viện nhận trách nhiệm.

Cũng tại phần xét hỏi, HĐXX đã tập trung vào các căn cứ thành lập đơn nguyên thận. Nói về tính pháp lý, bị cáo Trương Quý Dương “nghĩ” rằng, cơ bản là đủ. Ông Trương Quý Dương cũng khẳng định, việc thành lập đơn nguyên lọc máu thuộc thẩm quyền của mình. Chỉ khi nào thành lập khoa, phòng mới thì mới phải làm đề án xin ý kiến cấp trên.

Về cơ sở vật chất, bị cáo Dương cho rằng trách nhiệm điều phối con người là do khoa. Trách nhiệm của bị cáo là căn cứ vào đề xuất của khoa và tư vấn của đơn vị chuyển giao công nghệ để bổ sung nếu cần thiết.

“Qua việc trao đổi với đơn vị chuyển giao, bị cáo khẳng định cơ bản là đủ điều kiện. Những yếu tố chưa đáp ứng có thể là cơ sở vật chất hạ tầng; bởi nếu đủ thì đã thành lập thành một khoa riêng, vì không đủ nên chỉ cho hoạt động là một đơn vị thuộc khoa” – bị cáo nói trước HĐXX. 

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày.