Xét xử vụ AVG: Đề nghị mức hình phạt nghiêm khắc nhất với các bị cáo

ANTD.VN - Sáng 20-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Quyết định đầu tư khi chưa được phép

Mở đầu ngày xét xử thứ tư của vụ án (sau 1 ngày tạm nghỉ), đại diện Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố tại tòa đã bày tỏ quan điểm về đường lối giải quyết vụ án. VKS nhấn mạnh: “Hành vi phạm tội của các bị cáo là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, một phần của tệ nạn tham nhũng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp”.

Luận tội bị cáo Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (viết tắt là Bộ TT&TT) cùng 13 bị cáo liên quan, VKS khẳng định, kết quả điều tra công khai tại phiên tòa đã làm rõ nội dung và các tình tiết của vụ án, làm rõ các chứng cứ tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và phù hợp với nội dung Bản cáo trạng VKS đã công bố tại phiên tòa. Trên cơ sở đó, đại diện VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa có đủ căn cứ để kết luận về vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo.  

Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố bày tỏ quan điểm tại phiên tòa

Cụ thể, về hành vi phạm tội danh Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, VKS nêu quan điểm, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG, với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Thông tin và truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Mobifone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính Phủ.

Tuy nhiên, khi Dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư; giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án là hai yếu tố quan trọng đối với dự án đầu tư chưa được làm rõ, nhưng Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp) đề xuất và giao cho Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng Bộ TT&TT) ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21-12-2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone là vi phạm quy định Điều 31 - Luật số 67/2014/QH13; vi phạm khoản 6, Điều 5 - Luật số 69/2014/QH13 cùng nhiều quy định pháp luật liên quan.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son định hướng cho MobiFone mua cổ phần của AVG, Lê Nam Trà với chức vụ là Chủ tịch HĐTV MobiFone đã chỉ đạo Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc ban hành các quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên của MobiFone có trách nhiệm trong việc lập Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình” – VKS chỉ rõ.

VKS khẳng định, quá trình báo cáo đề xuất đầu tư và lập dự án, các bị cáo thuộc Ban giám đốc MobiFone đã báo cáo không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng; phương án kinh doanh, biết rõ số lỗ lũy kế của AVG từ năm 2010 đến tháng 3-2015 là 1.563,7 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 1.333 tỷ đồng... nhưng vẫn đề xuất lên HĐTV MobiFone.

Kết luận, VKS khẳng định, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải và đồng phạm ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau đã có hành vi vi phạm pháp luật trong đàm phán mua cổ phần AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với số tiền là hơn 6.590 tỷ đồng.

Nhận thức rõ được việc nhận tiền

Về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, VKS xác định quá trình chỉ đạo và thực hiện dự án, Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch HĐQT AVG) nhiều lần liên hệ, trao đổi với Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải (những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ TT&TT và MobiFone) nhằm thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng. Và sau nhiều lần đàm phán các bên đã thống nhất được giá trị mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng.

Với tính chất phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án cao nhất: Tử hình.

Ngày 25-12-2015, Phạm Nhật Vũ và Lê Nam Trà đã ký Thỏa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho MobiFone. Sau đó, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng tương đương hơn 8.445 tỷ đồng cho 8 cổ đông của AVG, trong đó cá nhân Phạm Nhật Vũ được hưởng hơn 5.850 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành việc bán 95% cổ phần AVG cho MobiFone theo đúng mong muốn và có lợi, nên Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD và Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Lý do Phạm Nhật Vũ đưa tiền cho 4 bị cáo này vì họ có vai trò quyết định đối với việc AVG bán cổ phần.

Các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn biết rõ số tiền Phạm Nhật Vũ đưa là do cá nhân các bị cáo có vai trò, quyền hạn, trong quá trình triển khai, đàm phán, quyết định việc mua bán cổ phần của AVG, tạo ra các điều kiện để Phạm Nhật Vũ nhanh chóng bán được cổ phần và thu được các lợi ích. Các bị cáo nhận thức rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

VKS khẳng định: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi các bị cáo hầu hết là những người có chức vụ cao, giữ cương vị quan trọng trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, nhưng không giữ được phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, kỷ luật và vì những động cơ cá nhân, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao thực hiện các hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng vốn nhà nước để mua bán cổ phần gây thiệt hại đặc biệt lớn”.

Hậu quả của hành vi phạm tội không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Việc đưa vụ án này ra xét xử tiếp tục là một minh chứng khẳng định quan điểm, sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể đối tượng đó là ai, giữ cương vị nào, nhằm loại trừ các hiện tượng tham nhũng cũng như tội phạm tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò đứng đầu, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện. Việc chỉ đạo của bị cáo mang tính quyết liệt buộc cấp dưới phải chấp hành và là người chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra cho nhà nước và xã hội. Bị cáo cũng là người hưởng lợi cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán trái pháp luật với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn.

Vì vậy, hình phạt áp dụng đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son về cả hai tội phải thật nghiêm khắc và cao nhất so với các bị cáo đồng phạm thì mới có tác dụng giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa chung. Và sau khi xem xét các tình tiết tăng năng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, VKS đề nghị HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án chung là tử hình về cả 2 tội danh như truy tố đối với cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.

Và do bị cáo Nguyễn Bắc Son chưa giao nộp số tiền 3 triệu USD (nhận hối lộ) nên VKS đề nghị tiếp tục kê biên tài sản là nhà đất tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đứng tên vợ chồng bị cáo để đảm bảo việc thi hành án.

Đối với bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT) và 12 bị cáo liên quan, đại diện VKS cũng lần lượt đề nghị xử phạt với bị cáo thấp nhất là từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù và bị cáo cao nhất là từ 23 năm tù đến 25 năm tù, theo những tội danh tương ứng và đã tổng hợp hình phạt các tội danh.