Xét xử phúc thẩm "đại án" xảy ra tại Agribank

ANTD.VN - Ngày 16-12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên Tòa phúc thẩm xét xử Phạm Thị Bích Lương cùng đồng phạm trong vụ “đại án” hình sự kinh tế, xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

Phần lớn bị cáo đã bị tạm giam

Khác với giai đoạn sơ thẩm, thời điểm chuẩn bị mở phiên Tòa phúc thẩm, 14/18 bị cáo trong vụ “đại án” Phạm Thị Bích Lương (SN 1969) - cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội cùng đồng phạm đều lần lượt bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang bị giam giữ, nhằm bảo đảm công tác xét xử và đúng pháp luật.

Ngoài ra, sau khi xác định rõ bị cáo Đỗ Tiến Long (SN 1975) - cựu cán bộ Agribank Nam Hà Nội đang phải điều trị căn bệnh hiểm nghèo tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nên cấp Tòa phúc thẩm chấp nhận việc bị cáo này vắng mặt tại phiên tòa.  

Tại phiên phúc thẩm, Phạm Thị Bích Lương được xem xét lại cả 2 tội danh là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (Điều 179 - BLHS) và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281 - BLHS), theo đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội - Phạm Thị Bích Lương cùng các bị cáo liên quan

Tiếp đến, Chử Thị Kim Hiền (SN 1958) - cựu Phó giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội cũng bị Tòa án xem xét lại các tội danh như Phạm Thị Bích Lương. Kế đến, Phạm Thanh Tân (SN 1955) - nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam cũng gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội, khi bị cấp Tòa sơ thẩm quy kết về các tội theo Điều 281 và tội  “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo giữ vai trò tiếp theo là Lê Minh Hiếu (SN 1974) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vietmade, Công ty Cổ phần Lifepro Việt Nam bị cấp sơ thẩm quy kết về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đồng phạm với cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội. Tuy nhiên khi phiên xử diễn ra, bị cáo này đã rút đơn kháng cáo.   

Cùng hầu tòa với những bị cáo nêu trên, các bị cáo là Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (SN 1980), Nguyễn Hữu Thanh (SN 1977), Trương Thị Út (SN 1967), Đặng Quang Chung (SN 1977), đều thuộc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội đều lần lượt được Tòa án xem xét lại tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.

Các bị cáo liên quan gồm: Hoàng Anh Tuấn (SN 1962) - nguyên Ủy viên HĐQT, Kiều Trọng Tuyến (SN 1953) - nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách, Đỗ Quang Vinh (SN 1964) - cựu Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp; Phan Quý Dương (SN 1978) - cựu Chuyên viên Ban tín dụng doanh nghiệp - đều thuộc Agribank Việt Nam và Hoàng Thị Thu Hiền (SN 1963) nhân viên Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, hiện vẫn mang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Dính líu đến tội trạng của hàng loạt bị cáo từng là cán bộ Agribank, nhóm cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây (Cục Hải quan Hà Nội) là Lương Thị Yến (SN 1958), Đỗ Thị Liên Hương (SN 1978), Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1978) và Hoàng Tuấn Khanh (SN 1973) cũng rơi vào vòng lao lý với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tham gia phiên Tòa phúc thẩm này, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam cũng có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét và đánh giá lại vấn đề dân sự liên quan đến hành vi tội phạm của cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội.  

Mất hàng nghìn tỷ đồng vì tắc trách

Trước khi bước vào phần thẩm vấn nhằm soát xét lại từng hành vi của các bị cáo cũng như những tình tiết, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm đã tóm lược lại nội dung vụ “đại án”, xảy ra tại Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội và quyết định hình phạt của cấp Tòa phúc thẩm đối với Phạm Thị Bích Lương cùng hàng chục bị cáo liên quan quan.

Qua đó cho thấy, ngày 28-1-2011, Công ty Cổ phần Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam (gọi tắt là Công ty Lifepro) và Dự án Nhà máy Dệt - Nhuộm - May công nghiệp ở tỉnh Ninh Bình của doanh nghiệp này cũng được đổi tên thành Dự án Luxfashion.

Thời điểm hình thành liên doanh nêu trên, Công ty Lifepro gồm nhiều cổ đông, trong đó có Công ty Cổ phần Lifepro Việt Nam do Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) làm giám đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữ vị trí cao nhất ở công ty này lại là Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc) - Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Chuyển đổi quy mô doanh nghiệp và triển khai Dự án Dệt - Nhuộm - May, các đối tượng người nước ngoài nêu trên đã câu kết với Lê Minh Hiếu dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của Agribank Việt Nam - Chi nhánh Nam Hà Nội bằng việc lập hồ sơ vay vốn mua nguyên liệu dệt may, mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang tầm cỡ quốc tế.

Kỳ thực, việc mua bán cả 6 thương hiệu thời trang quốc tế của các đối tượng người nước ngoài liên quan chỉ là giả tạo về mặt hình thức. Cụ thể, về nguyên liệu, máy móc, thiết bị, các đối tượng mua bán rất ít nhưng lại khai “vống” số lượng và giá trị tăng gấp nhiều lần nhưng Agribank vẫn giải ngân.

Bằng thương vụ "ma" này, ổ nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài đã lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam tổng cộng hơn 2.425 tỷ đồng. Và để lừa được Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội số tiền đặc biệt lớn ấy, các đối tượng người nước ngoài bảo Hiếu dùng tư cách pháp nhân Công ty Cổ phần Vietmade cũng như Công ty Cổ phần Lifepro Việt Nam đứng ra vay vốn, dựa trên những hợp đồng liên kết đầu tư với Công ty Cổ phần Enzo Việt và sau đó là Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.

Trước khi chiếm đoạt hơn 2.425 tỷ đồng (giai đoạn từ năm 2007 đến 2011, cũng với dự án Dệt - Nhuộm - May ở Ninh Bình, nhưng do Công ty Công ty Cổ phần Enzo Việt làm chủ đầu tư), các đối tượng người nước ngoài còn khiến Agribank Ninh Bình và Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội bị thiệt hại hơn 71 tỷ đồng, thông qua việc vay vốn đầu tư dự án, rồi bỏ trốn.

Giải quyết vụ “đại án” xảy ra tại AGribank, cơ quan công an cũng đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với các đối tượng người nước ngoài liên quan. Tuy nhiên, do chưa bắt được ổ nhóm tội phạm này nên các cơ quan tố tụng đã quyết định tách rút hồ sơ và tạm đình chỉ giải quyết.

Với bản chất vụ án như nêu trên, đầu tháng 1-2016, TAND - TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Thị Bích Lương 20 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” và 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Giữ vai trò thứ hai, Chử Thị Kim Hiền cũng bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù về cả 2 tội danh. Tiếp đến, Phạm Thanh Tân bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 9 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt là 22 năm tù.

Những bị cáo còn lại, lần lượt bị tuyên phạt từ 30 tháng tù đến 16 năm tù, theo từng tội danh tương ứng. Riêng bị cáo Hoàng Thị Thu Hiền chỉ bị tuyên phạt mức án nhẹ nhất với 2 năm tù, theo Điều 285 - BLHS.

Trong ngày đầu xét xử phúc thẩm vụ “đại án” xảy ra tại Agribank, ngoài tóm tắt lại nội dung vụ án như nêu trên, HĐXX cũng đã bước đầu thẩm vấn một số bị cáo gắn với từng hành vi cụ thể. Ngày 19-12, phiên xử phúc thẩm đối với Phạm Thị Bích Lương cùng các bị cáo liên quan sẽ tiếp diễn. Phiên xử phúc thẩm sẽ diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp.