Xét xử đường dây “phù phép” xe ô tô lậu: Các bị cáo kêu “oan”

ANTĐ - Những chiếc xe nhập lậu qua “bàn tay” của Ngô Doãn Phúc (SN 1977, trú ở phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhanh chóng biến  thành những “xế hộp” sang trọng và hợp pháp.

Cường, Phúc và Thuỷ (từ trái qua phải, hàng trên) tại phiên toà

Biến xe gian thành “xế xịn”

Phải đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-10, ngoài Ngô Doãn Phúc còn có Cao Vũ Cường (SN 1983), trú ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - nguyên cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Xuân Thủy (SN 1973), trú tại xã Quang Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - nguyên Đội phó Đội QLTT số 10; Đỗ Mạnh Dũng (SN 1979), trú ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và Phùng Văn Lực (SN 1975), trú tại phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo truy tố, Cường đã bàn với Dũng tìm xe ô tô cũ nát để anh ta bắt giữ, xử lý nhằm lấy hồ sơ thanh lý hợp pháp, sau đó đăng ký cho những xe nhập lậu. Theo kế hoạch Dũng và Lực bàn bạc, Phúc chịu trách nhiệm “sưu tầm” những xe ô tô thải loại và cắt ghép, đục lại số khung, số máy trùng khớp với các xe ô tô tạm nhập tái xuất còn thời hạn hoặc xe nhập lậu. Cường có trách nhiệm tổ chức bắt giữ và hợp thức hóa hồ sơ.

Sau khi lên kế hoạch tỉ mỉ, đêm 22, rạng ngày 23-5-2009, Phúc thuê xe cứu hộ chở 4 ô tô thải loại đã qua “tút tát”, loại 4 chỗ ngồi đi theo Quốc lộ 37 đến địa phận xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, Bắc Giang thì gặp lực lượng CSGT. Do đây là “màn kịch” được Cường “đạo diễn” từ trước nên Phúc bảo đồng bọn bỏ lại xe ô tô và bỏ chạy. Các xe ô tô thải loại này sau đó được lập biên bản thu giữ dưới dạng tài sản vô chủ và được chuyển về Đội QLTT số 10. Tại đây, Cường tiếp tục móc nối với Thủy cùng một số đối tượng tiến hành các thủ tục để Phúc đứng đằng sau mua toàn bộ hồ sơ cùng 4 chiếc xe ô tô thanh lý đó. Số hồ sơ này sau đó được Phúc hợp pháp hóa bằng việc đăng ký phương tiện tại cơ quan chức năng. Không tính chiếc xe ô tô BKS: 37S - 6891 vì Phúc dùng hồ sơ thanh lý đăng ký “hộ” một người ở Nghệ An, 3 chiếc xe còn lại có tổng trị giá hơn 5,2 tỷ đồng.

Không bị khởi tố thêm tội

Sau một lần hoãn phiên tòa vào giữa tháng 6, ngày 27-10, vụ án được đưa ra xét xử trở lại. Ngay khi phiên toà khai mạc, chủ toạ phiên xét xử đã công bố vụ án không có thêm tội danh và bị cáo. Cũng giống với phiên toà lần trước, Đỗ Mạnh Dũng và Phùng Văn Lực tỏ ra thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình khi tích cực giúp sức cho Phúc và Cường thực hiện tội phạm.

Trái lại, Nguyễn Xuân Thủy quanh co, chối tội và cho rằng đã làm hết trách nhiệm, đúng quy định trong quá trình trình chủ tịch UBND huyện ký quyết định bán thanh lý 4 xe ô tô vô chủ. Nguyên cán bộ QLTT này khẳng định, tiếp nhận hồ sơ thế nào thì trình lãnh đạo huyện duyệt thế ấy, tuyệt đối không thêm bớt hay làm sai lệnh hồ sơ. Thế nhưng luận điệu này bị HĐXX bác bỏ ngay, bởi bị cáo là người có chuyên môn, nghiệp vụ và là người trực tiếp chống buôn lậu, gian lận thương mại nhưng lại không xem xét, thẩm định kỹ tài sản. “Không lẽ nào các xe bị tịch thu bán thanh lý là loại xe 4 chỗ ngồi, cũ nát nhưng trong hồ sơ, tài liệu lại thể hiện là xe 7 chỗ bị cáo lại không biết”? - HĐXX căn vặn.

Tương tự, Phúc và Cường cũng đều chối, không thừa nhận hành vi theo truy tố. Trước khi HĐXX nghị án, ngoại trừ Đỗ Mạnh Dũng nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt, 4 bị cáo còn lại đều đề nghị được xem xét minh oan vì không phạm tội như cáo buộc. Mặc dù hầu hết các bị cáo không nhận tội, song dựa vào lời khai của những người liên quan và các chứng cứ vật chất thu thập trong quá trình điều tra vẫn đủ cơ sở để quy kết Ngô Doãn Phúc cùng đồng bọn phạm tội “buôn lậu”. Do đây là vụ án phức tạp nên sau 2 ngày xét xử TAND TP Hà Nội quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết chính thức vào sáng 1-11 tới đây.