Xe máy hiện vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân
Xe máy cũ dễ “dính” tai nạn
Theo PGS. TS Chu Công Minh, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, trong các vụ tai nạn giao thông được ghi nhận tại TP.HCM từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016 trong một nghiên cứu có tên “Khảo sát về mối tương quan giữa TNGT và xe máy”, số phương tiện có khoảng thời gian sử dụng từ 10- 15 năm chiếm tỷ lệ 44,5%.
“Dường như có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời phương tiện. Trên thực tế, khi phương tiện sử dụng nhiều năm, các bộ phận của xe không còn đảm bảo an toàn như ban đầu và thường gây ra hỏng hóc trong quá trình lưu thông”, PGS Chu Công Minh nhìn nhận.
“Quy định của Chính phủ là đến tháng 1-2018 phải thu hồi toàn bộ phương tiện xe máy cũ đã hết niên hạn sử dụng. Nhưng thực tế chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng đối với môtô, xe máy. Việc cần thiết hiện nay là phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ ban hành quy định về niên hạn sử dụng xe máy”, ông Chu Công Minh đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, xe máy cũ có độ an toàn thấp hơn, tác động môi trường lớn nhưng cần phải nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này.
“Cần tiến hành tổng điều tra toàn bộ phương tiện vì có những xe đăng ký nhưng thực tế đã hỏng, không thể sử dụng do chưa có quy định niên hạn và chưa tính đến lượng xe không chính chủ dịch chuyển giữa các tỉnh, thành phố”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, trước khi ban hành quy định về niên hạn sử dụng với xe máy thì phải có nghiên cứu khoa học, tham khảo lấy ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là những người đang sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông và mưu sinh.
Thận trọng và cân nhắc tác động
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy. Trong số này, có những xe được đưa vào hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước nhưng hiện vẫn đang lưu thông. Những xe này nếu không được bảo dưỡng tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến ATGT và môi trường đô thị.
“Luật Giao thông đường bộ mới có quy định niên hạn sử dụng với xe vận tải hàng hóa và xe khách. Xe khách có thời hạn không quá 20 năm, xe tải không quá 25 năm. Xe ôtô con, xe du lịch, xe máy chưa quy định niên hạn sử dụng”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Trí cũng cho rằng, việc quy định niên hạn đối với xe máy cần được cân nhắc thật kỹ và lấy ý kiến rộng rãi. Bởi, xe máy hiện vẫn là phương tiện lưu thông chính của người dân.
Trong đó, đa số xe máy đã sử dụng lâu năm thuộc về người dân có mức thu nhập trung bình và thấp, sử dụng để mưu sinh. Hơn nữa, tại các đô thị lớn, vận tải khách công cộng vẫn chưa phát triển, hiện vẫn chỉ có xe buýt nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, nếu quy định niên hạn cho xe máy, nên áp dụng theo lộ trình để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. “Từ ngày 1-1-2018, Chính phủ có quy định thu hồi các xe quá niên hạn sử dụng nhưng chỉ áp dụng được với xe tải, xe khách. Chưa thể tịch thu xe máy vì chưa có quy định về niên hạn sử dụng”, ông Nguyễn Hữu Trí nói.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Xe máy được đăng ký quyền sở hữu tức là tài sản của công dân. Muốn quy định được niên hạn của xe thì giấy tờ đăng ký xe phải thể hiện được năm sản xuất”.
Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định, từ 1-1-2018, xe mô tô, xe máy hết thời hạn sử dụng sẽ phải thu hồi, thải bỏ.