“Xe dù, bến cóc” nở rộ khiến nhiều doanh nghiệp vận tải muốn “bỏ bến chạy dù”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại tọa đàm “Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức diễn ra ngày 23/11, nhiều phản ánh nêu, tình trạng “xe dù, bến cóc” đang diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp vận tải muốn “bỏ bến chạy dù”.

Xe hợp đồng gấp 12 lần xe tuyến cố định

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, tình trạng xe dù đang phát triển ngày càng nhiều, từ một xe, 2 xe rồi 3 xe, từ xe 9 ghế đến xe giường nằm, từ địa bàn một tỉnh đến địa bàn nhiều tỉnh.

"Tình trạng này đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, do cạnh tranh không bình đẳng của xe dù nên nhiều xe tuyến cố định đã bị dừng, nhiều tuyến xe cố định phải giảm tần suất và doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thua lỗ".

Thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho thấy, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe giảm từ 18-30%.

"Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang "chạy dù" nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để", ông Dũng chia sẻ.

Tại bến xe Nước Ngầm ghi nhận hàng chục doanh nghiệp bỏ bến

Tại bến xe Nước Ngầm ghi nhận hàng chục doanh nghiệp bỏ bến

Cung cấp thêm thông tin tại toạ đàm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, xe tuyến cố định chỉ có hơn 18.300 xe nhưng xe hợp đồng lại lên tới gần 222.800 xe, gấp 12 lần so với xe cố định. Điều này cho thấy, khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì họ phải chuyển sang phương thức khác hoặc xe buýt, hoặc xe hợp đồng.

Trao đổi tại toạ đàm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ATGT quốc gia phân tích, nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng “xe dù, bến cóc” tồn tại, phát triển là việc tổ chức và bố trí các bến xe tương đối xa khu vực người dân đang sinh sống. Trong khi đó, giao thông công cộng chưa kết nối hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân đi lại.

"Cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra “bến cóc, xe dù” hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, bản thân nhiều người dân vẫn giữ thói quen tiện đâu đi đó khiến cho xe dù ngày càng nở rộ", bà Phan Thị Thu Hiền nêu ý kiến.

Tổ chức giao thông hợp lý

Đề cập giải pháp dẹp tận gốc nạn xe dù, bến cóc, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, mỗi địa phương cần xem xét lại quy hoạch bến bãi, quy hoạch luồng tuyến vận tải và điểm đón, trả khách hiện nay. Người dân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ và thực thi pháp luật. Đặc biệt, cần khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để "trong chừng mực nào đó chúng ta xác định được vi phạm để xử lý".

Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia cũng kiến nghị lực lượng chức phối hợp chặt chẽ kiểm tra doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải việc thực hiện giám sát phương tiện, nhất là dịp Tết sắp tới.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho rằng, Nghị định số 10/2020 về kinh doanh vận tải bằng ô tô có một nội dung quan trọng là việc lắp thiết bị giám sát hành trình và camera trên ôtô khách và một số đối tượng xe. Điều này giúp cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có thêm công cụ rất hiệu quả quản lý phương tiện.

"Trong thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường điều chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị như là các bến xe, các điểm đón trả khách. Cục cũng đề nghị các địa phương cân nhắc, thận trọng điều chỉnh vị trí bến xe, tránh tình trạng các bến xe đang hoạt động hiệu quả, tổ chức phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân thì điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị nội đô, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân", bà Hiền nói.