Xe Limousine, xe “dù” "đè bẹp" xe khách cố định: Doanh nghiệp vận tải chậm chuyển mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, có một phần nguyên do bởi xe bỏ bến ra ngoài chạy “dù”.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xác nhận, xe khách trá hình, xe “dù” đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, đặc biệt là các thành phố lớn.

Vào dịp cuối năm, lễ hội Xuân, khi nhu cầu đi lại tăng cao, các loại hình trên lại có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe… gây mất trật tự, ATGT. Bên cạnh đó, tình trạng này còn gây thất thu thuế cho Nhà nước, xâm phạm quyền lợi của hành khách đi xe khi không có bảo hiểm cho trường hợp xảy ra sự cố ATGT; gây bức xúc dư luận xã hội...

Nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay còn sử dụng những chiêu trò rất tinh vi để cố tình lách luật. Như đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định chỉ thông qua địa bàn Hà Nội để được đón, trả khách, hàng hóa tại nhiều nơi trong thành phố.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định chậm chuyển mình trong cuộc cạnh tranh hiện nay

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định chậm chuyển mình trong cuộc cạnh tranh hiện nay

Tinh vi hơn là ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành (hoặc tự thành lập) để nhận đặt chỗ, gom khách, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Có doanh nghiệp vận tải sử dụng cả xe mang biển số Lào để hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch hai chiều, như trên tuyến Sapa, Lào Cai, nhằm tránh né các thủ tục kiểm soát…

Ông Đào Việt Long cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến xe “dù” có đất sống, phát triển mạnh mẽ là bởi tính tiện lợi, phù hợp với thói quen đi lại của người dân.

Cụ thể như, người dân muốn đi xe khách liên tỉnh thì phải vào bến xe mua vé hoặc đứng chờ trên cung đường mà xe khách đi qua. Còn với xe “dù” hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng loại xe limousine, len lỏi khắp các ngóc ngách, đưa đón tận nơi và giá cả cũng phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định chưa quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, đặt vé, quảng bá thương hiệu… trong khi xe khách trá hình thì ngược lại.

“Tôi cho rằng, bên cạnh những vấn đề khách quan thì nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển mình chậm trễ của chính các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định nên khó cạnh tranh với xe khách trá hình”- ông Long nhìn nhận.

Theo ông Long, bên cạnh sự tiện lợi, sự tinh vi của các doanh nghiệp hoạt động thì đến nay, công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ cũng như chính quyền địa phương còn chưa triệt để, kịp thời.

Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến vi phạm tiếp tục tái diễn, bỏ sót vi phạm... Chưa quy được trách nhiệm rõ ràng của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động vận tải.

Do vậy, ông Long cho rằng, để giải quyết tình trạng xe trá hình, xe “dù” cần một lộ trình dài hạn. Phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan, trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Bởi việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm hay việc xóa bỏ các bến, bãi trái phép; kiểm soát hoạt động của các văn phòng xe núp bóng hợp đồng, du lịch… chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, đốc thúc lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt.

Về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, đảm bảo thuận tiện cho nhân dân tiếp cận.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, lực lượng này đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 918 trường hợp phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, phạt tiền hơn 1,1 tỷ đồng, tạm giữ 9 xe ô tô, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 84 trường hợp, tước phù hiệu xe vận tải hành khách 16 trường hợp.