Xăng dầu tăng giá đẩy cước taxi lên cao

ANTĐ - Giá xăng vừa tăng 2.100 đồng/lít đã tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải, taxi, một số  doanh nghiệp taxi đang lên kế hoạch tăng giá bù chi phí từ 5-7%.

Taxi tăng từ 500-700 đồng/km

Xăng dầu tăng giá đẩy cước taxi lên cao  ảnh 1
Giá taxi sẽ tăng 5-7% trong tuần tới

Theo cách tính của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, giá xăng chiếm từ 35-40% giá thành cước vận tải taxi, bởi vậy, xăng dầu tăng 10% khiến các DN taxi phải tính toán đến việc tăng giá cước. Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch hội đồng quản trị hãng Taxi Hương Lúa cho biết, mức tăng 10% gây tác động khá lớn đến hoạt động kinh doanh của hãng. Bởi vậy, hãng taxi này đã đưa ra kế hoạch tăng giá taxi trong 1-2 tuần tới. Ông chủ tịch này cho rằng “Không phải giá xăng dầu tăng hôm trước là hôm sau giá taxi sẽ tăng ngay, chúng tôi phải cân nhắc, tính toán xem phản ứng của khách hàng ra sao rồi mới quyết định tăng”.

Ông Sáu tính toán, hãng taxi này sẽ tăng tối đa từ 500-700 đồng/km. Áp dụng phương thức chạy khoán, ăn chia theo tỷ lệ hiệu suất, trong đó phí xăng do lái xe tự chi trả, điều này tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động. Theo đó, hãng này đang lên phương án trích quỹ, hỗ trợ nhân viên lái xe để duy trì hoạt động. Hiện xe của Hương Lúa vẫn giữ nguyên giá cước đã niêm yết từ cách đây nhiều tháng. Trong đó, 20 km đầu tiên giá 9.000 đồng, km thứ 21 giá 7.000 đồng. Tương tự, nhiều hãng taxi lớn trên địa bàn Hà Nội như Group taxi, taxi ABC… hiện vẫn giữ nguyên giá cước, nhưng sẽ có điều chỉnh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam cho biết, hoạt động kinh doanh vận tải thì chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong giá thành, bởi vậy, việc tăng giá xăng dầu lần này đẩy giá cước của ngành vận tải tăng từ 2-5%. “Hiệp hội ô tô vận  tải Việt Nam đã nhận được kế hoạch tăng giá cước của nhiều DN vận tải, taxi. Các hãng taxi, dự định mức tăng sẽ từ 5-6,5%, tương đương 500-700 đồng/km so với mức giá cũ. Như vậy cũng là hợp lý, còn nếu DN nào tăng đến 10-15% là không hợp lý, té nước theo mưa”, ông Hùng khẳng định.

Vận tải đường dài  tăng giá sẽ giảm khách

Từ ngày 8-3, Hiệp hội này đã có văn bản gửi Hiệp hội các tỉnh, thành trên cả nước, đề nghị thận trọng, cân nhắc trong việc tăng giá cước vận tải. Tăng giá nhưng phải trên cơ sở tính toán hợp lý, và tăng đủ bù chi phí của giá xăng, dầu. Còn đối với xe khách đường dài, ông Hùng cho biết, giá dầu chỉ tăng 4%, chi phí của các DN chỉ tăng thêm 2%. Hiệp hội khuyến cáo, các DN vận tải đường dài chưa nên tăng giá vào thời điểm này. Theo lý giải của ông Hùng, nguyên nhân do, đã hết mùa lễ hội, lượng khách đi lại giảm đáng kể trong thời gian qua, nếu các DN tiếp tục tăng giá cước thì lượng khách chắc chắn sẽ còn giảm nữa, ảnh hưởng đến doanh thu. 

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho hay, việc nâng giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan nhà nước, phát hành vé… Cho nên, các DN chờ xem giá cả xăng dầu còn tăng hay giảm trong thời gian tới rồi điều chỉnh một thể.  

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Việc tăng giá cước vận tải lâu nay vẫn do Hiệp hội vận tải đề xuất sau khi căn cứ vào thực tiễn tăng giá phí đầu vào. Sau khi Hiệp hội tập hợp ý kiến các thành viên của mình, sẽ quyết định mức tăng giá cước. Bộ GTVT sẽ chấp thuận theo đề xuất của Hiệp hội, vì đây là vấn đề đã được xã hội hóa từ lâu”.