X – quang gây hại tới đâu?

ANTĐ - Một số phụ nữ vì không biết mình có thai nên đã chụp X – quang. Sau đó, họ rất lo thai nhi bị dị tật. Tuy nhiên, theo các bác sỹ chuyên ngành, mọi chuyện không nghiêm trọng đến thế.

Tuần trước chúng tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, 29 tuổi nhà ở Q. Bình Tân, TP HCM tại phòng khám thai. Chị Ngọc tâm sự: “Ba tuần trước tôi có khám sức khỏe định kỳ do công ty tổ chức. Khi khám, tôi chụp X – quang ngực. Mười ngày sau, tôi phát hiện mình có thai khoảng năm tuần. Khi đi khám ở trạm y tế phường, y tá cho biết chụp X – quang sẽ gây dị tật, có khi phải bỏ thai. Về nhà, tôi nghe người nhà bảo người mang thai chỉ cần đi ngang qua phòng chụp X – quang cũng có thể sảy thai. Tôi rất lo nên đến đây để hỏi bác sỹ.

Lo lắng của chị Ngọc cũng là điều mà nhiều thai phụ vô tình đến gần phòng chụp X – quang hoặc vì có bệnh nên phải chụp phim quan tâm. Để giải tỏa những băn khoăn trên, chúng tôi đã gặp bác sỹ Phạm Tuyên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Phòng khám Quốc tế Victoria Helthcare.

PV: Thưa bác sỹ, thai phụ vẫn thường được khuyên là không nên chụp X – quang hoặc tiếp xúc với môi trường nhiễm xạ. Tuy nhiên, một số người không biết mình có thai nên không phòng tránh. Trong những trường hợp này, tác hại của tia X đối với thai nhi như thế nào?

BS. Phạm Tuyên: Rad là đơn vị đo lường khả năng hấp thụ tia xạ. Trong quá trình mang thai, liều xạ tự nhiên mà thai phụ phơi nhiễm từ mặt trời và trái đất khoảng 100 millirad ( 1 rad = 1.000 millirad). Ngoài ra còn có những nguồn phóng xạ nhân tạo từ các thiết bị điện tử như lò vi sóng hay ti vi. Các nguồn bức xạ này rất nhỏ nên không gây hại cho thai phụ.

Theo khuyến cáo của Ủy ban quốc gia về bảo vệ đối với tia phóng xạ của Mỹ, với mức độ phơi nhiễm từ 5 rad trở xuống, nguy cơ gây hại đối với thai nhi hoàn toàn không xảy ra. Bạn không cần phải lo lắng vì các lại X – quang dùng trong chuẩn đoán y khoa thường không phát liều xạ vượt quá 5 rad.

Nếu thai phụ phơi nhiễm với liều xạ trên 10 rad, bé sau này sẽ có nguy cơ mất hay giảm khả năng học tập hoặc có bất thường ở mắt. Nguy cơ dị tật thai nhi sẽ tăng đáng kể nếu mức độ phơi nhiễm trên 15 rad.

Vậy mức độ cơ thể nhiễm xạ trong quá trình chụp X – quang là bao nhiêu?

BS.Phạm Tuyên: Trường hợp thai phụ chụp X – quang răng, mỗi lần nhiễm liều xạ chỉ 0,0001 rad. Tức mẹ chụp khoảng 50.000 lần, thai nhi mới nhiễm xạ tích lỹ 5 rad. Khi bạn chụp X – quang ngực, liều phơi nhiễm của thai nhi là 0,00007 rad. Do vậy, nếu mang thai và lỡ chụp X – quang như chị Ngọc, thai phụ không cần lo lắng thai nhi di tật vì mức độ phơi nhiễm tia X rất thấp. Ngay cả chụp CT lồng ngực 10 lát cắt, người chụp chỉ phơi nhiễm có 0,1 rad.

Như vậy, ngay cả khi mang thai, người mẹ vẫn có thể chụp X – quang?

BS.Phạm Tuyên: Dù nguy cơ từ chụp X – quang đối với thai nhi là thấp, nhưng các bác sỹ vẫn thường khuyên thai phụ không nên chụp X –quang nếu không cần thiết.  

                                                                    Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi bác sỹ thấy cần chụp X – quang để chuẩn đoán bệnh, bạn không nên quá lo lắng vì lượng xạ mà con bạn nhiễm nằm trong giới hạn an toàn. Khi chụp, nhớ cho bác sỹ hay kỹ thuật viên biết là bạn đang mang thai để được che chắn. Phần bụng của bạn sẽ được che bằng một áo chì nhằm hạn chế phơi nhiễm tia xạ cho thai nhi.

Nếu làm việc ở môi trường có chất phóng xạ hay các thiết bị có khả năng phát ra tia xạ như máy X – quang trong chuẩn đoán và điều trị hay ở sân bay, trong công nghiệp, máy chụp CT, các máy dùng trong phẫu thuật, bạn nên xin nghỉ khi mang thai hoặc xin chuyển công tác là tốt nhất. Như vậy, bạn sẽ tránh bị nhiễm đến liều gây hại cho thai nhi.