Vụ Vạn Thịnh Phát: Người trực tiếp chuyển 5,2 triệu USD không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn bị xác định là người trực tiếp đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho trưởng đoàn thanh tra nhưng không bị xử lý hình sự ở tội danh này…

Chủ động tố giác trưởng đoàn thanh tra

Theo kết quả điều tra, bị can Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) vào làm việc tại tổ chức tín dụng này từ năm 2013 với chức vụ ban đầu là Phó Tổng giám đốc SCB. Đến cuối năm 2013, Văn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc cho đến khi nghỉ việc vào tháng 7-2020.

Trong thời gian bị can Văn làm Tổng giám đốc SCB, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thanh tra Ngân hàng SCB, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước thành lập Đoàn thanh tra.

Bị can Võ Tấn Hoàng Văn - người trực tiếp đưa hối lộ 5,2 triệu USD.

Bị can Võ Tấn Hoàng Văn - người trực tiếp đưa hối lộ 5,2 triệu USD.

Ban đầu, Đoàn thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, cho thấy Ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và nhiều sai phạm phải chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, sau đó, Đoàn thanh tra đã có nhiều sai phạm, bao che, báo cáo không trung thực, không đầy đủ, điều chỉnh kế hoạch thanh tra theo hướng có lợi cho Ngân hàng SCB…

Sở dĩ có sự “biến chuyển” này là vì Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã gặp gỡ trực tiếp, trao đổi với bị can Đỗ Thị Nhàn (Trưởng Đoàn thanh tra, cựu Cục trưởng Cục II, NHNN) nhằm mục đích che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm của SCB bị phát hiện qua thanh tra. Và cũng để cho ngân hàng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, tiếp tục được tái cơ cấu.

Sau đó, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn trực tiếp đưa cho Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên trong Đoàn thanh tra. Trên cơ sở đó, bị can Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ, cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB.

Cáo trạng xác định, bị can Đỗ Thị Nhàn là trưởng Đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra. Nhưng bị can này đã nhận số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành Dự thảo Kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, bưng bít sai phạm.

Bị can Trương Mỹ Lan và bị can Đỗ Thị Nhàn.

Bị can Trương Mỹ Lan và bị can Đỗ Thị Nhàn.

Hành nêu trên của bị can Nhàn bị Viện kiểm sát truy tố tội “Nhận hối lộ” và Trương Mỹ Lan bị truy tố tội “Đưa hối lộ”. Tuy nhiên, bị can Võ Tấn Hoàng Văn lại được miễn trách nhiệm hình sự.

Viện kiểm sát cho rằng, bị can Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình SCB bị thanh tra. Đồng thời, bị can này còn là người tố giác hành vi của Đỗ Thị Nhàn (từ trước khi khởi tố vụ án). Cựu Tổng giám đốc SCB cũng hợp tác tích cực với CQĐT trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án.

“Căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 29 và khoản 7, Điều 364 Bộ Luật hình sự năm 2015, không xem xét trách nhiệm hình sự với Võ Tấn Hoàng Văn về tội Đưa hối lộ” - cáo trạng nêu. Ngoài ra, ông Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của ông Văn) là người trực tiếp nhận các thùng xốp đựng tiền từ SCB và đi cùng với ông Văn đến nhà riêng đưa cho Đỗ Thị Nhàn nhưng cũng không bị đề cập xử lý, do không có căn cứ.

Giúp sức tích cực cho bà chủ Vạn Thịnh Phát

Mặc dù được miễn trách nhiệm hình sự tội “Đưa hối lộ”, song Võ Tấn Hoàng Văn vẫn bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng hoặc các hoạt đông khác liên quan hoạt động ngân hàng”.

Theo đó, mỗi khi cần tiền, bà chủ Vạn Thịnh Phát sẽ gọi điện cho ông Văn, chỉ đạo để SCB giải ngân khoản vay nào đó cho Trương Mỹ Lan sử dụng. Ông Văn biết số tiền giải ngân cho các cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để trả nợ cũ tại SCB, trả nợ vay ở ngân hàng khác, đầu tư vào dự án và sử dụng cho các mục đích khác của Lan không đúng với phương án trong hồ sơ vay vốn.

Các hồ sơ vay đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi ngân hàng. Ngân hàng không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, phương án vay vốn. Việc ký các tờ trình thẩm định, biên bản họp đồng ý cho vay là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bị can Văn vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Giai đoạn từ tháng 11-2013 đến tháng 12-2017, bị can Văn ký các hồ sơ vay khống, giải ngân hàng trăm khoản vay cho nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 60.502 tỉ đồng.

Giai đoạn từ tháng 2-2018 đến tháng 7-2020, cựu Tổng Giám đốc SCB này tiếp tục ký các hồ sơ cho vay khống, giải ngân, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 192.434 tỉ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh là 101.247 tỉ đồng.