Vụ thông thầu tại Bệnh viện Đồng Nai: Bị cáo đang sống ở Mỹ xin chấp nhận phán quyết của tòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 21-12, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ thông thầu xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Phiên tòa được xét xử công khai, dự kiến kéo dài trong 20 ngày.

Vụ án này có 36 bị cáo nhưng có 8 người đang bỏ trốn, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC). Trước ngày hầu tòa, luật sư của bị cáo Trần Đình Thành cho biết từ trại giam, bị cáo Thành có lời kêu gọi bà Nhàn ra đầu thú.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC); Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc Công ty AIC) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Bồ Ngọc Thu - cựu Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai bị dẫn giải tới phiên tòa.

Bị cáo Bồ Ngọc Thu - cựu Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai bị dẫn giải tới phiên tòa.

Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, HĐXX xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, Công ty CP Bất động sản AIC…

Những người tham gia tố tụng khác, gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng tỉnh Đồng Nai, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Tư vấn Quy hoạch Kiểm định xây dựng Đồng Nai…

Được biết, hiện có hơn 30 luật sư tham gia đăng ký bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Đình Thành có 2 luật sư bào chữa, bị cáo Đinh Quốc Thái có 1 luật sư bào chữa, bị cáo Phan Huy Anh Vũ có 2 luật sư bào chữa…

Bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai và các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

Bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai và các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

Theo thông báo của thư ký phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có mặt tại phiên tòa. Được biết, đây là luật sư được Tòa án chỉ định. Ngoài ra, một số luật sư xin vắng mặt phiên khai mạc.

Người đại diện theo ủy quyền của UBND tỉnh Đồng Nai có mặt tại phiên tòa; đại diện của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai có mặt. Đại diện của Công ty CP AIC vắng mặt tại phiên tòa; Công ty CP Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế hệ mới vắng mặt… Ngoài ra, một số người làm chứng có đơn xin xét xử vắng mặt.

Tại phiên khai mạc, luật sư của bị cáo Trần Đình Thành đề xuất HĐXX cho bị cáo được ngồi để đảm bảo sức khỏe tham gia xuyên suốt phiên tòa. Trong những phần không liên quan đến xét hỏi thì cho bị cáo được ngồi ở khu vực riêng hoặc được ngồi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Quốc Thái cho rằng HĐXX đã xác định tư cách của nguyên đơn dân sự nhưng chưa có xác định bị đơn dân sự; vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xác định bị đơn dân sự trong vụ án.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội - hiện đang bỏ trốn) cho biết bị cáo này đã xuất cảnh từ tháng 4-2021, trước khi cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ án. Bị cáo Thuyết xuất cảnh trong điều kiện phải giám hộ cho con học ở Hoa Kỳ.

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo đã có đơn xin nhận những hành vi bị truy tố và được xét xử vắng mặt, chấp nhận sự xét xử của Tòa án. Sau phần đề nghị này của luật sư, chủ tọa phiên tòa xác nhận đã nhận được đơn của bị cáo Thuyết.

Theo thông báo của HĐXX, đại diện nguyên đơn dân sự có yêu cầu bồi thường nhưng phía UBND tỉnh Đồng Nai chưa yêu cầu cụ thể. Tại phiên tòa, phía Ủy ban cho biết dựa trên kết quả của Hội đồng thẩm định tài sản, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu bồi thường 152 tỉ đồng, yêu cầu những cá nhân có liên quan đến vụ án bồi thường.

Theo đại diện Viện kiểm sát (VKS), về việc xác định bị đơn dân sự, VKS đồng ý với quan điểm của đại diện nguyên đơn dân sự, đề nghị HĐXX trả lời cho đề nghị của luật sư. VKS xác định bị đơn dân sự là những người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, đây là vụ án có đồng phạm nên tất cả những người có liên quan đều là bị đơn dân sự nhưng trách nhiệm của mỗi người sẽ được nêu rõ trong phần luận tội.

Sau khi hội ý, HĐXX kêu gọi các bị cáo đang bỏ trốn ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đối với việc xác định bị đơn dân sự, HĐXX cho biết trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ xác định.

Theo cáo trạng, quá trình đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010 - 2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu cho công ty “quân đỏ” và “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.

Quá trình tham gia đấu thầu rồi trúng thầu, bà Nhàn lập Ban thư ký tài chính để quản lý các khoản chi đối ngoại. Nguồn tiền của hoạt động này do các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị, hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa với đối tác bên ngoài với giá cao. Sau đó, các đối tác ký xác nhận giảm giá, chuyển tiền lại cho Công ty AIC để nhập vào quỹ của Ban thư ký tài chính.

Sau đó, Chủ tịch AIC đã trực tiếp đưa hối lộ hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho các lãnh đạo tỉnh, sở - ngành...

Cụ thể, VKS xác định Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14,5 tỉ đồng/ người, Phan Huy Anh Vũ nhận 14,8 tỉ đồng; bị cáo Bồ Ngọc Thu được nhận 1 tỉ đồng.