Vụ tàu vỏ thép vừa ra khơi đã hỏng: Đình chỉ việc đóng mới, mời công an vào cuộc làm rõ

ANTD.VN -Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, Bộ mới làm được 1 khúc là sức sản xuất, 2 khúc còn kém là khâu chế biến, xuất khẩu. Việc dư thừa thịt lợn không phải tại dân, mà do ngành nông nghiệp làm chưa tốt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Thời gian qua một số giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đưa ra, song khi nguồn nước, đất bị ô nhiễm thì rau quả  trồng trên đó có an toàn không? Giải pháp đột phá nào? Trình độ xử lý ô nhiễm đất, nước nông nghiệp của ta đến đâu? Có cần xây dựng trung tâm đầu ngành đủ năng lực để giải quyết vấn đề ATVSTP tại các cơ sở đủ năng lực như trưởng ĐH hoặc các Viên nghiên cứu không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đảm bảo xử lý môi trường cho nền nông nghiệp sạch là vấn đề lớn. Hiện có nhiều diện tích đất canh tác, thủy vực khu vực đã bị ô nhiễm môi trường. Cũng theo Bộ trưởng, muốn có nông sản sạch không chỉ sạch từ quy trình mà từ điều kiện sản xuất cũng phải sạch.  Các lưu vực sông lớn chảy trong nội đô Hà Nội từ sông Nhuệ, sông Đáy đã bị ô nhiễm.

“Quan điểm của ĐB Nguyễn Chiến muốn có nông sản sạch chúng ta phải đi từ gốc, từ đất, nước là hoàn toàn đúng. Đây là vấn đề lớn thuộc nhiều Bộ, ban ngành, Thời gian tới chúng ta rất cần xây dựng trung tâm đầu ngành đủ năng lực để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với trụ cột là các nhà khoa học” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

ĐB Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa nâng cao chất lượng sống thực sự cho người dân. Nguyên nhân do chất lượng nông sản và việc tiêu thụ chưa đảm bảo. Theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề này.

“Nước ta có lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ nhưng chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và hành lang pháp lý trong chứng nhận sản phẩm cũng như có chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất. Bộ trưởng đã có giải pháp gì để phát triển nông nghiệp hữu cơ?” – ĐB Bùi Thu Hằng chất vấn.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ là hoàn toàn đúng đắn song hiện chúng ta chưa có văn bản quản lý về vấn đề này. Vừa qua Bộ đã xin ý kiến Chính phủ để xây dựng Nghị định, trong thời gian ngắn nhất sẽ có cơ sở pháp lý để quản lý, định hướng đối với việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Hoài Tân (Bình Định) cho biết Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, qua đó ngành ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay vốn đóng mới, nâng cấp được hơn 1.000 tàu, trong đó có 375 tàu vỏ thép. 

Tuy nhiên, theo ĐB Tân, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy 1 năm, ra khơi mới 1, 2 chuyến đi biển mà tàu đã hư hỏng nghiêm trọng, thậm chí tàu mới đưa từ xưởng về đã hỏng máy móc, không hoạt động được. "Mặc dù tàu này được đóng ở cơ sở đóng tàu mà Bộ NN-PTNT cho là đủ năng lực thi công, được trung tâm đăng kiểm Tổng cục thuỷ sản kiểm định chất lượng"- ĐB Đặng Hoài Tân băn khoăn.

ĐB đến từ Bình Định cũng nêu rõ tình trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất của ngư dân và tiến độ trả nợ ngân hàng, ảnh hưởng đến chính sách chung của Đảng và Nhà nước, đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân khi vươn khơi bám biển.

"Vậy xin Bộ trưởng cho biết, Bộ có biện pháp gì chấm dứt tình trạng trên và tạo điều kiện cho các chủ tàu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương hỗ trợ ngư dân hiện đại hoá tàu cá trong thời gian tới?"-ĐB Tân chất vấn.

Trong trả lời, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay cả nước trên cơ sở những tiêu chí, những vùng, cơ sở, đơn vị có đủ điều kiện về mặt bằng, công nghệ để lựa chọn làm đơn vị đóng tàu, đã có được 235 cơ sở đủ điều kiện trang thiết bị để thực hiện đóng tàu, tổng thiết bị 2.284 tàu phân bổ 28 địa phương. Đến giờ phút này đã đóng được 666 con tàu theo chương trình này với 3 loại: tàu vỏ sắt, tàu vỏ gỗ và vật liệu composite, trong đó có 297 chiếc tàu sắt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hầu hết đều là tàu công suất lớn, trên 800 mã lực, để phục vụ khai thác ngoài khơi. Đánh giá chung, Bộ trưởng cho biết đến 31-5, trong 666 tàu có 297 tàu sắt, nhìn chung tất cả các chuyến ra khơi, bà con nhận xét chung ở các tỉnh báo cáo về là đều phát huy tác dụng, kể cả về hiệu quả, và về mặt an toàn.

Riêng tại Bình Định có 19 chiếc hỏng, khi phát hiện Bộ đã ra 2 văn bản tập trung 27 tỉnh thành (trừ TP HCM) yêu cầu rà soát lại toàn bộ. Bộ đã cử ngay Tổng cục thuỷ sản vào làm việc với tỉnh. Tỉnh làm việc rất quyết liệt, khẩn trương. Tỉnh đã mời tất cả ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu đến đối chất, làm rõ trách nhiệm của từng bên.

Các tàu hỏng thuộc 2 nhóm: hỏng phần máy và phần sắt trên boong tàu. Bộ NN-PTNT đã cùng với tỉnh Bình Định quyết định đình chỉ việc đóng mới của 2 công ty. Bộ NN-PTNT yêu cầu không được đóng mới nữa để tập trung khắc phục hậu quả. Với các tàu hỏng về máy, Bộ yêu cầu thay máy mới, không sửa chữa. "Một phương tiện như thế, đi biển như thế không thể nào có sửa chữa được mà phải thay máy. Các tàu hỏng hóc phải thay đúng chủng loại. Với các tàu còn nằm ở bờ khi chưa sửa chữa được thì công ty phải có trách nhiệm khi người dân mất thu nhập"- Bộ trưởng Cường nêu rõ.

Tỉnh Bình Định thành lập 1 đơn vị thẩm định độc lập, bao gồm các cơ quan quản lý, cơ quan tư pháp, mời các chuyên gia để thẩm định rõ 19 tàu này hỏng hóc cái gì, nguyên nhân từ đâu. Tổ thẩm định này cần đẩy nhanh để có số liệu cuối cùng. "Tỉnh Bình Định cũng mời cơ quan công an vào cuộc để làm rõ. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh để sớm làm rõ nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng này"- ông Nguyễn Xuân Cường nói.