Vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị hành hạ: Làm sao để thấu tình đạt lý?

ANTD.VN - Sự việc nữ sinh lớp 9 bị hành hạ dã man ở trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) đã khiến dư luận "dậy sóng" vài ngày qua. Điều đáng buồn, đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường đã xuất hiện liên tiếp trong nhiều năm qua, song ngành giáo dục dường như chỉ xử lý "phần ngọn" bằng những hình thức kỷ luật thiếu tính răn đe, đối với cả giáo viên và học sinh vi phạm. Làm sao để giải quyết sự việc một cách thấu tình đạt lý?

Hình ảnh khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy đau lòng, nhưng những người làm giáo dục tại trường THCS Phù Ủng lại chọn hướng xử lý "che đậy" sự thật

Để tìm câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi nói trên, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi cụ thể với luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, ở sự việc cụ thể vừa qua, cần xem xét khía cạnh xử lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính răn đe.

Cụ thể, hành vi mà những học sinh đã thực hiện đối với nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 và "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật này.

"Tuy nhiên do những học sinh này đang ở lứa tuổi dưới 16 nên họ sẽ không bị xử lý hình sự về tội 'Làm nhục người khác'. Đây là quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự. Đối với tội 'Cố ý gây thương tích', nhóm học sinh này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu như nữ sinh lớp 9 có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên. Mức hình phạt đối với nhóm học sinh đó được quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự", luật sư Thanh cho biết.

Giáo viên chủ nhiệm của lớp học có nữ sinh bị hành hạ dã man. Hành vi bạo lực học đường đó bị cho là đã lặp lại nhiều lần

Cụ thể, luật quy định:

"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này".

Bên cạnh đó, luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho rằng, không phải tới bây giờ, tình trạng bạo lực học đường mới bùng phát. Trước đó nhiều năm, tình trạng này đã xuất hiện và khiến dư luận nhức nhối. Những vụ việc được phát hiện chỉ là một phần trong đó, khi có video clip ghi lại và được phát tán ra ngoài.

Luật sư Giang Hồng Thanh

"Tôi đã đến nhiều trường học để tuyên truyền, giải đáp pháp luật. Vấn đề tôi ưu tiên nhắc đến trong mọi lần trợ giúp pháp lý là hành vi đánh nhau, làm nhục nhau, tung clip lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh. Hầu hết học sinh đều ngẩn người trước thông tin đó. Các em không ý thức được đó là việc làm phạm pháp, bị trừng trị. Và đương nhiên, nhà trường chưa bao giờ nêu vấn đề đó ra để các em hiểu", luật sư Thanh bày tỏ.

Để giải quyết tình trạng bạo lực học đường nói trên, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, nhà trường cần dành một tiết học để phổ biến những kiến thức pháp luật cơ bản. Đặc biệt, khi có sự kiện nào nóng hổi xảy ra liên quan đến lứa tuổi học trò, nhà trường cần nhắc đến như một bài học để các em tránh. Nếu làm được như vậy, tin rằng chắc chắn số lượng vụ việc bạo lực học đường sẽ giảm dần.

"Thay vì nhồi nhét vào đầu học sinh những tiết học kém hiệu quả, hết buổi là các em cũng quên, thì cần dạy học sinh các kỹ năng sống. Điều đó sẽ làm con em chúng ta trưởng thành và không biến chúng thành những kẻ hung tợn", luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ.

Rõ ràng, sau những vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ, điều dư luận chờ đợi là một chiến lược có chiều sâu, "thấu tình đạt lý" của ngành giáo dục, chứ không phải là những án kỷ luật chỉ có thể giải quyết được phần ngọn vấn đề.

Dưới đây là video clip nêu lại thực trạng bạo lực học đường đáng báo động: