Vụ Mobifone mua AVG: Luật sư đề nghị áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với bị cáo dựa trên căn cứ nào?

ANTD.VN -Mới đây, tại phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ đề nghị HĐXX xem xét, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng cao nhất, đó là được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo kết luận, Phạm Nhật Vũ đã đưa hối lộ 3 triệu USD cho cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son; 2,5 triệu USD cho cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà; 500.000 USD cho cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải và 200.000 USD cho cựu Bộ trưởng Bộ TT& TT Trương Minh Tuấn. Hành vi này bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo khoản 4 điều 364 BLHS 2015 với khung hình phạt 12-20 năm tù.

Theo các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, trước khi khởi tố vụ án, Phạm Nhật Vũ đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại và các chi phí phát sinh, tự thú về hành vi "Đưa hối lộ", tích cực cung cấp các tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác.

Để đảm bảo Nhà nước không bị thiệt hại, tổn thất, Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác lên đến hơn 329 tỷ đồng. Ngoài ra bị cáo có thể đủ điều kiện áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ khác…

Bị cáo Phạm Nhật Vũ tại phiên tòa

Liên quan đến khái niệm chính sách khoan hồng đặc biệt hay còn gọi là chính sách hình sự đặc biệt, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, chính sách này chưa được quy định trong BLHS 2015 sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

"Có thể hiểu đây là chính sách khoan hồng của Nhà nước và chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp nhất định. Đó là những bị can tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo để làm rõ sai phạm, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra..." - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải khắc phục được phần lớn hậu quả xảy ra. Các cơ quan tố tụng cũng sẽ xem xét việc đã khắc phục triệt để trên thực tế, nghĩa là tiền đã nộp vào ngân sách chứ không phải trên giấy. Nếu việc khắc phục quá nhỏ, không tương xứng với hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, bị cáo chỉ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 điều 51 BLHS 2015.

Ngoài ra, có thể coi đây là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Vì qua các tài liệu mà bị can cung cấp, cơ quan điều tra nhanh chóng phá án thành công, nhất là với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như vụ án này mà có những tài liệu để chứng minh, mở rộng vụ án, xử lý triệt để vụ án...

Khi được áp dụng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, các bị cáo khắc phục hậu quả triệt để có thể được áp dụng khung hình phạt thấp hơn một khung liền kề. Tình tiết này phải được ghi rõ trong bản án.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, trong một vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của BLHS để áp dụng với các bị can, bị cáo. HĐXX có thể tuyên bị cáo hình phạt dưới khung hoặc thậm chí là miễn hình phạt song vẫn phải dựa vào quy định tại BLHS và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.