Vụ lái xe Mercedes GLC 300 tông chết người: Cố ý giết người hay giết người do tinh thần bị kích động mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ lái xe Mercedes GLC 300 tông chết người sau khi bị vây đánh tại Bình Thuận, nhiều người đặt câu hỏi trong trường hợp này lái xe có thể bị xử lý về hành vi cố ý giết người hay giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?

Lái xe Phạm Văn Nam (SN 1979, quê Kim Sơn, Ninh Bình) đã bị Công an tỉnh Bình Thuận tạm giữ để điều tra về hành vi điều khiển ô tô đâm chết người trước quán ăn khu vực bờ kè đường Phạm Văn Đồng (TP Phan Thiết).

Trước đó, đêm 12/5, khi Nam đi cùng nhóm bạn ra khu vực bờ kè Phạm Văn Đồng để ăn khuya thì ô tô của Nam suýt xảy ra va chạm giao thông với xe máy. Sau đó, Nam lái xe đến một quán khác thì bị nhóm người này đuổi theo dùng ly, xô, đánh, ném vào xe ô tô.

Thấy vậy, Nam đã lao xe lên lề đường, xoay vòng để truy đuổi những người đang ném đồ về phía mình và đã đâm trúng ông Hà Xuân H. Ngay sau đó, nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Phạm Văn Nam - người điều khiển xe Mercedes tông chết người tại TP Phan Thiết, Bình Thuận, đã bị tạm giữ

Phạm Văn Nam - người điều khiển xe Mercedes tông chết người tại TP Phan Thiết, Bình Thuận, đã bị tạm giữ

Sau khi tông chết người, Nam đã điều khiển ô tô Mercedes rời khỏi khỏi hiện trường, vào TP. HCM. Chiều 12/5, Nam đến Công an TP Phan Thiết đầu thú.

Sau khi clip về diễn biến vụ việc được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, hành vi của lái xe là cố ý giết người song một số cá nhân khác lại nhận định, đây là vụ tai nạn dẫn đến chết người do tinh thần lái xe bị kích động mạnh.

Bình luận về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định, ô tô được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Một người bình thường, đầy đủ nhận thức phải biết rằng việc lao xe ô tô vào người đi bộ hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người đó.

Nếu kết quả điều tra xác định lái xe có đầy đủ năng lực hành vi, sử dụng ô tô nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân hoặc nhận thức được điều đó nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015.

Trường hợp lái xe bị say xỉn, thực hiện hành vi trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng xảy ra trước đó hay không. Nếu có căn cứ cho thấy sự việc do mâu thuẫn của nhiều người, gây mất an ninh trật tự thì những người liên quan sẽ bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS 2015.

Lái xe Mercedes GLC 300 bị một nhóm thanh niên lao đến đánh (ảnh cắt từ clip)

Lái xe Mercedes GLC 300 bị một nhóm thanh niên lao đến đánh (ảnh cắt từ clip)

“Để xác định hành vi của lái xe Mercedes GLC 300 phạm vào Tội giết người tại Điều 123 hay Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 BLHS, cần đánh giá nhận thức, trạng thái tâm lý, động cơ và mục đích khi thực hiện hành vi của lái xe” - Luật sư Thu nhấn mạnh.

Qua đoạn clip camera ghi lại sự việc có thể thấy, trước khi xảy ra sự việc, có khá đông các đối tượng dùng bàn ghế, mũ bảo hiểm tấn công và lao ra ném vào lái xe GLC 300. Khi thoát được lên xe, người này đã đi vòng quanh các đối tượng đã và đang tấn công mình.

Nếu có đủ căn cứ xác định lái xe GLC 300 không chủ định đâm vào các đối tượng này mà chỉ đến khi nạn nhân cầm cả chiếc bàn ăn ra đứng chặn đường và ném chiếc bàn vào xe bị ngã, dẫn đến bị cán chết thì lái xe có thể được xem xét do tinh thần bị kích động mạnh.

Cơ quan chức năng sẽ xác minh tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, người này có tâm lý đang bị kích động, không hoàn toàn tự chủ, thiếu kiềm chế đối với hành vi của mình hay không.

Cũng theo Luật sư Thu, để xác định tình huống thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có trong trạng thái tinh thần bị "kích động mạnh" không cần xem xét các yếu tố: Phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại; Hành vi đó được thực hiện đối với người phạm tội, đối với người thân thích hoặc hoặc người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội; Hành vi này phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần.

Bên cạnh đó, trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động mạnh, dẫn đến thực hiện hành vi thiếu kiểm soát.