"Vũ khí mềm" của các nhà báo - chí sĩ cách mạng trong lao tù vẫn cất cao tiếng nói dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà tù Hỏa Lò được biết đến là “địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX để giam cầm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, chính ở nơi hà khắc này, các chiến sĩ cách mạng trung kiên của ta đã bí mật viết, biên soạn và cho ra đời nhiều tờ báo, bản tin... Đây chính là thứ vũ khí sắc nhọn ở chốn lao tù, vừa tuyên truyền đường lối của Đảng, vừa góp phần cổ vũ các tù nhân siết chặt đội ngũ, giữ vững hơn niềm tin, ý chí và sức mạnh để không ngừng đấu tranh cho độc lập, dân tộc và cách mạng.

Những năm 1930 - 1931, hàng trăm người Việt Nam yêu nước và chiến sĩ cách mạng đã bị bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, các nhà báo - chiến sĩ đã dùng ngòi bút của mình làm “vũ khí mềm” để đấu tranh, cất cao tiếng nói dân tộc ở nơi ngục tù tăm tối.

“Làng báo” trong nhà tù

Vào khoảng cuối năm 1931, sau một thời gian bàn bạc, Chi bộ Đảng ở Nhà tù Hỏa Lò được thành lập, do đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm Bí thư. Sau khi ra đời, Chi bộ Đảng đã chủ trương cho ra Báo “Lao tù đỏ”.

Vào ngày 4-1-1932, Báo “Lao tù đỏ” số đầu tiên chính thức ra mắt (sau đổi tên là “Lao tù tạp chí”). Ấn phẩm này xuất bản 1 tuần/lần. Nội dung của tờ báo chủ yếu đăng những bài vận động tù nhân tham gia Lao tù hội (hội quần chúng của Chi bộ Đảng), nêu lên các cuộc đấu tranh phản đối việc ngược đãi tù nhân, kêu gọi tù nhân đoàn kết, đấu tranh đòi thực dân Pháp cải thiện đời sống, hỏi và đáp về chủ nghĩa cộng sản; vận động, tuyên truyền lính người Việt, lính người Pháp, một số cai, đội ngả về phe cách mạng.

Hoạt cảnh về nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã cùng anh em tranh thủ khi được ra sân, bí mật truyền tay nhau tờ báo Xuân tù, bàn bạc tổ chức ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trại giam trong trưng bày “Đứng lên và cất tiếng”

Hoạt cảnh về nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã cùng anh em tranh thủ khi được ra sân, bí mật truyền tay nhau tờ báo Xuân tù, bàn bạc tổ chức ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trại giam trong trưng bày “Đứng lên và cất tiếng”

Tại Hồi ký “Trong ngục tối Hỏa Lò”, đồng chí Nguyễn Tạo, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã viết: “Tờ “Lao tù tạp chí” lớn bằng 4 ngón tay là cơ quan ngôn luận phổ cập tới mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong Nhà pha Hỏa Lò và cũng là cơ quan ngôn luận tồn tại lâu nhất. Mỗi tuần một số, tờ báo đã xuất bản hơn 200 số từ năm 1932 - 1935. Cùng với tờ Lao tù tạp chí, Lao tù hội cũng cho ra đời báo “Đời tù”, ra mỗi tháng 2 kỳ, vào ngày 7 và 24 hàng tháng. Nội dung của báo nhằm tuyên truyền, liên lạc giữa các tù nhân, giữa trại giam nam và nữ, đồng thời, hướng dẫn các hình thức đấu tranh cho tù nhân và trao đổi ý kiến, kinh nghiệm chống phản động.

Cũng trong thời gian này, tù chính trị ở Hỏa Lò chủ yếu là những chiến sĩ Cộng sản và Việt Nam Quốc dân đảng. Cùng bị giam chung trong một nơi nhưng do sự khác nhau về thế giới quan, quan điểm nên 2 bên đã có nhiều cuộc “bút chiến” trên báo chí. Quốc dân đảng cho ra tờ “Bút tiêu sầu” để tiêu khiển với nhau trong những ngày tuyệt vọng và nói xấu những người Cộng sản.

Để đập lại giọng điệu sai lầm của họ và tuyên truyền giác ngộ họ theo chính nghĩa, Chi bộ nhà tù đã ra các tờ báo “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, báo “Lao tù”… do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Bằng những lý luận sắc bén, phù hợp với thời cuộc, báo chí của những người Cộng sản đã góp phần làm phân hóa hàng ngũ Việt Nam Quốc dân Đảng, cô lập bọn cầm đầu phản động, tranh thủ những anh em có cảm tình với Đảng Cộng sản, rất nhiều người đã từ bỏ hàng ngũ Quốc dân đảng chuyển sang Đảng Cộng sản.

Năm 1933 - 1934, ở Nhà tù Hỏa Lò liên tục diễn ra các đợt luân chuyển tù đi Sơn La, Côn Đảo và từ các nơi này về lại Hỏa Lò. Ngoài tờ “Lao tù tạp chí” vẫn được duy trì, Chi ủy Hỏa Lò ra thêm tạp chí “Vô sản” để tuyên truyền trong tù, nâng cao trình độ cho những đảng viên mới vào. Tạp chí “Vô sản” coi mục đích nâng cao trình độ lý luận, lập trường của đảng viên là chính. Những cây bút chính viết cho tạp chí này là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Năng, Trần Đức Sắc, Đặng Việt Châu...

Trong Hồi ký “Âm thanh cuộc đời”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tù chính trị Hỏa Lò năm 1943 - 1945 đã chia sẻ về sự ra đời của tờ “Xuân tù”: “Tờ “Xuân tù” của trại L ra đời, có minh họa màu sắc xanh đỏ rất vui mắt “màu đỏ lấy từ thuốc đỏ, màu vàng lấy từ thuốc ký ninh, màu xanh từ thuốc quinobleu của nhà thuốc). Anh em trong trại chuyền tay nhau đọc. Ai không biết chữ thì ngồi nghe”.

Còn từ năm 1950 - 1953, đồng chí Nguyễn Tiến Hà, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1950 - 1953 chia sẻ: “Tôi được giao nhiệm vụ làm chủ biên và lo mọi việc để ra mắt Bản tin trong Nhà tù Hỏa Lò. Các chi ủy viên, Tổ trưởng Đảng ở các trại được chọn lọc tham gia góp tin”.

Phóng viên Tú Anh

Phóng viên Tú Anh

Phát hành trong gian lao

Để có được những trang báo, bản tin, tạp chí, các chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò đã làm việc trong điều kiện hết sức vất vả vì phải bí mật che mắt kẻ địch. Họ phải chui xuống gầm sàn để viết, ban ngày nhờ ánh sáng lọt qua các lỗ châu mai, ban đêm nhờ ánh đèn điện hoặc đèn dầu.

Trong Hồi ký “Học tập, học tập, học tập để hoạt động tốt cho Đảng”, đồng chí Văn Tân, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã viết: “Trong thời gian sống chung ở trại với anh em, đồng chí Trường Chinh có một “văn phòng” ở dưới gầm sàn, bên ngoài che một mảnh chiếu. Ngày ngày vào buổi trưa, đồng chí chui xuống “văn phòng”, nằm phủ phục ở sau chiếc chiếu để viết sách, báo, tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản hoặc huấn luyện anh em”.

Giấy để viết được cung cấp từ hai nguồn. Từ ngoài vào như giấy thuốc lá, giấy bạch hoặc anh em trong tù tự kiếm lấy bằng cách dùng ngay các quyển kinh do cố đạo Đrônây mang vào. Anh em viết bằng bút chì đen hoặc bằng một thứ nước đặc biệt trên các khoảng trống giữa hai dòng chữ in. Khi nào đọc thì dùng một thứ hóa chất (tích trữ được) bôi lên, chữ sẽ hiện rõ. Bút viết thời kỳ này cũng hết sức đặc biệt, thuốc đỏ, thuốc xanh methylen được dùng làm mực, ngòi bút làm bằng nụ hoa ăngtigôn, quản bút làm bằng cành bàng…

Việc biên soạn tài liệu đã khó, việc cất giấu tài liệu lại càng khó hơn, sao cho tài liệu không lọt vào tay địch. Những người làm báo phải tạo ra các “kho” bí mật để giữ gìn tài liệu - đó là một kỳ công.

Các đồng chí đục tường, rút gạch, làm thành kho để tài liệu rồi trát ximăng, quét hắc ín lại như cũ. Trong khi một số đồng chí đục tường, một số đồng chí khác phải giả vờ vật lộn nhau, làm ồn ào để át tiếng động, làm cho địch không phát hiện được. Tài liệu còn được bỏ vào hộp sữa, bọc kín lại, dòng dây thả xuống thùng phân. Ở trại nữ, chị em cũng đục tường làm chỗ cất tài liệu hoặc giấu tài liệu trong khố. Khâu lưu giữ kỳ công là thế nhưng nhiều khi cũng không tránh khỏi được “tai mắt” của kẻ thù. Khi phát hiện ra, chúng tìm mọi cách phá bỏ, rồi uy hiếp người cách mạng bằng đòn roi, lưu đày, thậm chí là thủ tiêu.

Đến giờ, đồng chí Nguyễn Tiến Hà, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò vẫn nhớ như in: “Trụ sở viết báo là gầm sàn. Nơi cất giấu bản thảo là “hầm hàm ếch”, là cái hốc đào trong tường, ngang dọc chừng hơn 10 phân. Cửa hầm được ngụy trang kín, bên ngoài xếp chăn, gối che khuất”.

Khâu “phát hành” báo cũng phải tính toán rất kỹ lưỡng. Để đảm bảo việc liên lạc được bí mật, chi bộ chọn những đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao và có khả năng bảo vệ tài liệu. Tài liệu cần chuyển thường được đựng trong túi vải con, đến giờ ra chơi, địch khó kiểm soát, các đồng chí mang đến nơi giao hẹn cho nhau. Địa điểm giao hẹn thường là hai bên bức tường ngăn khu xà lim với các trại nhất, nhì, ba. Hai bên ném đá để ra hiệu rồi sau đó ném túi tài liệu cho nhau. Phòng thuốc cũng là nơi liên lạc. Thông qua một số giám thị có cảm tình với tù chính trị, anh em tù cũng có thể liên lạc với nhau; ngoài ra, một số nhân viên phòng lục sự được cảm hóa cũng trở thành đường dây liên lạc, phát hành của ta.

Trong hồi ký “Âm thanh cuộc đời”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã kể lại: “Anh Đối trước khi vào tù là loại mít đặc “cán cuốc”, địch tra tấn dã man, anh cắn lưỡi không khai. Nay anh cũng giác ngộ, tâm sự với tôi: Tinh thần cao chưa đủ, phải có văn hóa cao mới làm cách mạng được”.

Có thể thấy, dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khắc nghiệt ấy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ tại các nhà tù, những tù nhân làm báo đã vượt khó khăn, nguy hiểm để mang niềm tin tới đồng đội, tới các bạn tù của mình qua các loại báo chí, tài liệu… để tuyên truyền cách mạng. Những ấn phẩm tự tạo trong ngục tù như vậy đã khơi dậy niềm tin, động viên tinh thần và đã trở thành các loại vũ khí hiệu quả, có một sức mạnh vô cùng lớn, giúp họ vững tin hơn vào lý tưởng để tranh đấu cho độc lập, tự do của dân tộc và Tổ quốc.